Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh tổng hợp trên đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Theo đó, Công an Thành phố Hà Nội, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn; đồng thời tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm... Công an Thành phố Hà Nội đã kiểm tra 130 vụ và xử lý 130 vụ, xử phạt hành chính với số tiền 1,95 tỷ đồng; truy thu thuế trên 8 tỷ đồng và khởi tố 5 vụ và 6 đối tượng.
Đối với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã kiểm tra 1.081 vụ; trong đó, xử lý 907 vụ, xử phạt hành chính 4 tỷ 862 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm là 5 tỷ 916 triệu đồng; trong đó, tiền bán hàng 85 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán và tiêu hủy 5,831 tỷ đồng.
Để tăng cường việc chống buôn lậu đối với mặt hàng gỗ nhập khẩu từ châu Phi, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất, chất dinh dưỡng Ensure, thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ, hàng cấm… Cục Hải quan Thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường để nắm tình hình và trao đổi thông tin diễn biến thị trường đặc biệt là hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp. Riêng Cục Hải quan Thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 79 vụ; xử lý 79 vụ, phạt hành chính 1,327 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngành nông nghiệp, y tế cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra 96 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, nông lâm sản, thủy sản, vệ sinh an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 12 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 143 triệu đồng; Sở Y tế thanh tra, kiểm tra 85 cơ sở, xử lý 45 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 594 triệu đồng.
Hiện nay, tình hình thời tiết nắng nóng, mưa to thất thường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể xảy ra các vụ việc về ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố, Ban chỉ đạo 389 của thành phố yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; các văn bản chỉ đạo về kinh doanh hàng hóa xách tay, trái cây, gas, cồn y tế, vật liệu nổ và pháo nổ, tranh trái phép...
Các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an, y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu để phòng chống ngộ độc Methanol trên địa bàn thành phố; kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, thu hồi các sản phẩm rượu gây ngộ độc Methanol và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.