Những bức xúc này được các doanh nghiệp nêu lên trong buổi toạ đàm: “Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp” diễn ra vào sáng nay (10/11) tại TP Hồ Chí Minh.
Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiêp, đơn vị chức năng cho rằng hàng gian, hàng giả tồn tại ngấm ngầm ở mức độ cao trong xã hội với thời gian dài, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Điển hình như vụ phân bón Thuận Phong, VN Pharma,Võng xếp Duy lợi và mới đây là mặt hàng tơ lụa của Khaisilk...
Ông Nguyễn Ngọc Tý, đại diện công ty thời trang Nón Sơn, khẳng định nguyên nhân của tình trạng nói trên là do các giải pháp, chính sách của Nhà nước vẫn chỉ mới cắt ngọn vấn nạn, chưa đủ cách thức và sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ.
Tiêu huỷ một lô hàng nhái, hàng giả phát hiện trong năm 2017. |
Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Tý cho rằng đơn vị cấp phép kinh doanh, cấp chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy cho doanh nghiệp đã chưa làm tốt việc kiểm tra nguồn gốc hàng hoá. Có tình trạng các doanh nghiệp sản xuất hàng nhái các thương hiệu khác, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn được cấp phép kinh doanh, vẫn ngang nhiên buôn bán những hàng hoá nhái thương hiệu trên thị trường.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đã cùng kiến nghị cơ quan chức năng cần rà soát lại việc cấp phép lưu hành sở hữu trí tuệ, về logo nhãn hiệu; đồng thời pháp luật cần phải được thực thi nghiêm minh trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả.
“Biết được một nơi nhập hàng Trung Quốc nhái hàng Việt về bán, nhưng khi báo với quản lý thị trường thì đơn vị này đi xong về báo không có phát hiện. Tôi cho rằng hiện vẫn chưa có biện pháp đồng bộ. Thực tế mình phải nhìn nhận một vấn đề là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Khi chúng tôi có phản ảnh thông tin, chúng tôi chỉ cần các cơ quan có trách nhiệm tích cực phối hợp làm ngay. Nếu làm được như vậy thì mới sớm giúp cho người tiêu dùng bớt bị thiệt thòi”, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng kiến nghị.
Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hàng nhái, hàng giả tràn lan trên thị trường. |
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ, cũng yêu cầu các doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là chỉ của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cũng cho biết, sau khi phát hiện hàng hoá của mình bị làm nhái, làm giả... các đơn vị này đã tốn nhiều thời gian, công sức theo đuổi các vụ kiện. Do vậy, tại buổi toạ đàm, các doanh nghiệp đã yêu cầu cơ quan chức năng sau khi thụ lý vụ việc, khẩn trương hơn nhằm giảm thời gian giải quyết, sớm trả lại môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.
Trong 10 tháng của năm 2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái; đã kết thúc điều tra 94 vụ, xử lý 106 đối tượng; đã khởi tố 7 vụ, 13 đối tượng; xử lý hành chính 86 vụ, 92 đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái và phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.