Các vụ việc buôn lậu, vận chuyển hàng cấm ngày càng nghiêm trọng đã được phát hiện gần đây. Ông nhận định thế nào về thực tế này?
Quý I/2019, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành, lực lượng chức năng đã tập trung nắm bắt tình hình, nhận diện phương thức thủ đoạn và đấu tranh ngăn chặn, triệt phá nhiều đường dây ổ nhóm liên quan đến tội phạm buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Có những đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã bị bắt giữ, xử lý.
Mặc dù số vụ và đối tượng khởi tố, số nộp ngân sách tăng từ 16 đến 70% so với cùng kỳ năm trước nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT vẫn còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Trong đó, buôn lậu, buôn bán vận chuyển, tàng trữ các chất ma túy đang nổi lên là một vấn đề rất đáng quan tâm.
Trên thực tế, thời gian qua lực lượng chức năng trong nước phối hợp cả với nước ngoài đã điều tra khám phá nhiều đường dây ổ nhóm buôn lậu các chất ma túy, với số lượng tang vật rất lớn, lên đến vài trăm bánh heroin. Nổi bật là Chuyên án 218 LP, do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) chủ trì có sự tham gia của lực lượng hải quan, bắt giữ 300 kg ma túy đá từ Lào về Thành phố (TP) Hồ Chí Minh vào ngày 20/3. Sau đó, lực lượng hải quan và công an, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng của Philippines chặn bắt, thu giữ 276 kg ma túy đá, chứa trong những bao hạt nhựa xuất đi từ TP.Hồ Chí Minh. Lực lượng hải quan, công an đã chủ động phối hợp triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia về TP.Hồ Chí Minh qua khu vực biên giới An Giang, thu giữ hơn 26 kg ma túy đá và ma túy tổng hợp vào chiều ngày 13/4, trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ.
Chính phủ đã có Chương trình Quốc gia về phòng chống ma túy. Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, VP 389 sẽ nắm bắt các vụ việc, đánh giá nguồn gốc, phương thức thủ đoạn của các đối tượng đang tổ chức các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, qua đó tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hơn.
Vấn nạn lợi dụng tạm nhập-tái xuất (TN-TX) vẫn đang hoành hành, chưa được ngăn chặn hiệu quả, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Đúng là tình trạng lợi dụng hình thức hàng TN-TX, trung chuyển để buôn lậu đang khiến chúng tôi rất lo ngại. Thời gian qua, lực lượng hải quan đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ việc TN-TX sang Campuchia, rồi quay vòng, thẩm lậu (hàng hóa vi phạm quyền SHTT, hàng giả, kém chất lượng) vào thị trường nội địa.
Theo nhận định của chúng tôi, hàng TN-TX hiện thường là rượu bia, thuốc lá, hàng đông lạnh, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng. VP 389 đang tập hợp, tiến hành đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động TN-TX, hàng trung chuyển. Nhận diện xem đối với hàng cũ, hàng nhập khẩu có điều kiện ở các nước bạn sử dụng như thế nào, khả năng tiêu thụ đến đâu để có biện pháp phòng chống ngăn chặn buôn lậu đạt hiệu quả.
Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ sớm đề xuất với lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng như lãnh đạo các bộ, ngành chức năng, đặc biệt đề xuất Chính phủ có cơ chế đảm bảo thương mại thông suốt, song vẫn có thể phòng ngừa việc lợi dụng chính sách này để buôn lậu, gian lận thương mại.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành, lực lượng chức năng trong 3 tháng qua đã nắm bắt tình hình, nhận diện phương thức thủ đoạn và đấu tranh ngăn chặn, khám phá, triệt phá nhiều đường dây ổ nhóm liên quan đến tội phạm buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bắt giữ nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Cụ thể quý I/2019 các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 33.549 vụ việc vi phạm (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái); thu nộp ngân sách hơn 2.470 tỷ đồng (tăng 16%); khởi tố 820 vụ (tăng 67%), 982 đối tượng (tăng gần 70% so với cùng kỳ).
Mặc dù trong quý I, các tiêu chí (số vụ, số lượng vụ khởi tố, đối tượng khởi tố, số nộp ngân sách) đều tăng cao hơn so cùng kỳ năm ngoái nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT vẫn còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Quý II/2019, chúng ta phải làm tốt công tác nắm bắt tình hình từ xa, ngăn chặn từ biên giới, ngăn chặn trên các tuyến đường mòn, lối mở, quản lý chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách xuất nhập cảnh; từng bước đấu tranh với đối tượng tội phạm này hiệu quả hơn.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!
Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Khánh Quang cũng cho biết: Trong quý I/2019, toàn ngành đã bắt giữ 4.039 vụ việc vi phạm trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 320 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 38,5 tỷ đồng, khởi tố 8 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 21 vụ. Đáng cảnh báo là cơ quan chức năng đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, sản phẩm động vật hoang dã số lượng lớn.