Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính tri, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diễn ra sáng 25/10.
Cùng dự Đại hội có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố; lãnh đạo tỉnh Hưng Yên qua các thời kỳ; các mẹ Việt nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 339 đại biểu đại diện cho trên 69.000 đảng viên trong Đảng bộ tỉnh.
Đại hội được tiến hành với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” nhằm định hướng, động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.
Tự cân đối ngân sách, thuộc nhóm tăng trưởng cao toàn quốc
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao nỗ lực phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên trong nhiệm kỳ vừa qua. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng đạt 8,38%/năm, đứng trong nhóm tăng trưởng cao toàn quốc. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1 ha canh tác đạt 210 triệu đồng, thu ngân sách tăng bình quân 13%/năm. Năm 2017, Hưng Yên trở thành một trong 16 địa phương tự cân đối thu chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc trong việc chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đó là kinh tế phát triển nhanh, nhưng chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thể của tỉnh nằm ở cửa ngõ thủ đô, trong vùng kinh tế trọng điểm. Thu ngân sách từ sản xuất và kinh doanh chưa cao; công nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa có sản phẩm nổi trội và sức cạnh tranh rõ nét. Chất lượng lao động qua đào tạo nghề còn thấp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn mới, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đi đôi với phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường, phòng chống đại dịch COVID-19. Hưng Yên có vị trí thuận lợi nằm ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, thuộc khu tam giác động lực phát triển phía Bắc. Do vậy, Hưng Yên cần làm tốt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để làm định hướng phát triển; chủ động đẩy mạnh liên kết vùng, có giải pháp huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông thiết yếu, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, năng lượng bền vững, công nghệ thông tin cho chuỗi đô thị trong tỉnh. Tỉnh tập trung đầu tư có trọng điểm, cân đối đầu tư cả khu vực đô thị và nông thôn; phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và kinh tế đô thị, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhưng cần có chọn lọc, phù hợp.
Xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ phấn khởi trước những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới của Hưng Yên, là một trong 8 tỉnh, thành phố đầu tiên có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019; mong tỉnh tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, có ý thức bảo vệ môi sinh và cảnh quan nông thôn với những nét đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong nông nghiệp, tỉnh cần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ sinh học và công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ các loại nông sản có lợi thế của tỉnh, nhất là thị trường ngoài nước; phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới và xây dựng chuỗi liên kết giá trị với các doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, tỉnh phải chăm lo giải quyết các chính sách an sinh xã hội, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát huy truyền thống văn hiến, khuyến khích tinh thần sáng tạo của nhân dân, xây dựng Hưng Yên thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực vùng Đồng bằng Sông Hồng và của cả nước, khai thác hiệu quả Khu đại học Phố Hiến.
Ba khâu đột phá và những điểm nhấn ấn tượng
Nhiệm kỳ tới, Hưng Yên tiếp tục thực hiện ba khâu đột phá gồm: Quy hoạch thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, công tác cán bộ. Trong đó, tỉnh thực hiện quy hoạch cấp tỉnh, thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách Nhà nước. Tỉnh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, thương mại dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển.
Hưng Yên phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 7,5 - 8%, GRDP bình quân đầu người 130 triệu đồng/năm, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 47%; thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II, thị xã Mỹ Hào đạt đô thị loại III...
Trong nhiệm kỳ qua, Hưng Yên đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,38%/năm; năm 2020 thu ngân sách đạt gần 15.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 41%. Huyện Mỹ Hào được công nhận là thị xã. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư với hơn 1.000 km đường trong toàn tỉnh. Thu hút đầu tư và công nghiệp phát triển nhanh, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút hơn 800 dự án đầu tư, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh lên gần 2.000 dự án; quy hoạch 13 khu công nghiệp tập trung với quy mô hơn 3.000 ha; có 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Ngành nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, đã chuyển đổi 9.700 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh hiện có hơn 700 mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động; năm 2020, có 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Văn hóa, xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; các chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời, đầy đủ...