Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề kỳ họp, các đại biểu cho rằng, việc Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết này sẽ tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu. Đồng thời, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương với Vương quốc Anh.
Ông Vũ Hải Hà - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới
Trình tự, thủ tục và hồ sơ trình phê chuẩn Văn kiện tuân thủ đúng các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Điều ước quốc tế.
Vương quốc Anh đã dành mức cam kết mở cửa thị trường đối với Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP, cao hơn so với cam kết của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) trong một số nội dung quan trọng đối với Việt Nam.
Trong khuôn khổ gia nhập Hiệp định CPTPP, Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường.
Việc Quốc hội khóa XV phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Văn kiện, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam với Vương quốc Anh; khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Đồng thời, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chính phủ đã xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong dự thảo Kế hoạch thực hiện Văn kiện; trong đó, đã bao gồm nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung của Văn kiện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để đảm bảo việc thực hiện Văn kiện một cách đầy đủ và có hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung tại Kế hoạch thực hiện Văn kiện nội dung tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến nội dung của Hiệp định CPTPP cũng như Hiệp định UKVFTA.
Hiệp định CPTPP được ký kết năm 2018, có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Hiệp định gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam.
Tổng cộng, các nước này có khoảng 500 triệu dân. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nếu có sự tham gia của Anh, nhóm này sẽ đóng góp 15% GDP toàn cầu.
Vương quốc Anh nộp đơn xin gia nhập CPTPP từ năm 2021. Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia khối thương mại năng động này và cũng là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập. Qua đó, đưa CPTPP từ một hiệp định Thái Bình Dương trở thành một hiệp định toàn cầu thực sự.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP Hồ Chí Minh: Mở ra thị trường xuất khẩu mới nhiều tiềm năng
Như chúng ta thấy khi xuất hiện đại dịch COVID-19, cùng với đó là xung đột Nga – Ukraine đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam là một trong những nước có độ mở lớn và chúng ta đã ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay, Việt Nam có hơn 16 FTA; trong đó, CPTPP là một trong những hiệp định quan trọng với một thị trường 11 quốc gia.
Hôm nay Quốc hội đã bấm nút thông qua để cùng với các nước thành viên trong CPTPP chấp thuận kết nạp Vương quốc Anh tham gia vào CPTPP. Điều đó rất thuận lợi cho kinh tế của nước ta, đặc biệt là chúng ta có thêm một thị trường để xuất khẩu hàng hóa ưu đãi về mặt thuế quan. Vương quốc Anh là thị trường lớn trên thế giới có GDP đầu người ở mức rất cao và nông sản Việt hiện nay đang được thị trường châu Âu tiếp nhận, cũng như hàng dệt may, da giày.
Do đó, sáng nay có tới 459/460 đại biểu có mặt bấm nút thông qua Nghị quyết. Điều đó cho thấy một sự đồng thuận rất cao.
Tôi hy vọng hiệp định này sẽ mở ra cho các doanh nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, da giầy có thêm một thị trường xuất khẩu mới, từ đó có điều kiện hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo thêm việc làm cho người lao động đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ngoài các tiêu chí về chất lượng, tiêu chí về phát triển xanh đối với hàng hóa xuất khẩu có vị trí rất quan trọng, đòi hỏi sản phẩm phải thân thiện với môi trường để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng "0". Do đó, cần phải tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn phải xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào công nghệ, môi trường để đạt được tiêu chí phát triển xanh, hàng hóa xanh. Như vậy mới có cơ hội để Việt Nam tận dụng được lợi thế của CPTPP, cũng như tận dụng vào thị trường Anh trong thời gian tới.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn Đắk Nông: Đáp ứng hội nhập quốc tế tích cực trong giai đoạn hiện nay
Vương quốc Anh là một trong những quốc gia lớn của châu Âu, thành viên trong khối G7 (liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Vương quốc Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy). Mối quan hệ của Việt Nam với Vương quốc Anh từ trước đến nay rất tốt.
Việc Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết này sẽ tác động rất tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu. Bởi Vương quốc Anh là một thị trường lớn, khó tính nhưng trong thời gian vừa qua kết quả hoạt động thương mại của Việt Nam đối với châu Âu nói riêng và Vương quốc Anh nói riêng rất ấn tượng.
Tôi tin tưởng Nghị quyết này sẽ đáp ứng được lòng mong đợi của người dân cả nước trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đáp ứng hội nhập quốc tế tích cực trong giai đoạn hiện nay.