Sự kiện do Việt Nam cùng Phần Lan, Grenada, Cơ quan Liên hợp quốc về Phát triển Công nghiệp (UNIDO), Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức các nước đảo nhỏ về năng lượng bền vững (SIDSDOCK) và Mạng lưới Phụ nữ các nước đảo nhỏ (IWON) đồng tổ chức.
Là sự kiện nằm trong khuôn khổ khóa họp thứ 63 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ, buổi thảo luận đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hơn 150 đại biểu đến từ các nước thành viên LHQ, các cơ quan chuyên ngành LHQ và nhiều tổ chức phi chính phủ. Các đại biểu đánh giá cao chủ đề của sự kiện có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh lĩnh vực năng lượng và công nghiệp có tỷ lệ phụ nữ tham gia còn thấp, do đó, các chính sách trong những ngành nghề này chưa tính đến một cách toàn diện các nhu cầu của phụ nữ, cũng như chưa khai thác được các tiềm năng đóng góp to lớn của phụ nữ.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều giữa bình đẳng giới với phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và bao trùm, khẳng định việc lồng ghép hiệu quả khía cạnh giới trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp góp phần thiết yếu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Các đại biểu hoan nghênh những bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức, từ việc chỉ nhìn nhận phụ nữ là những người dễ bị tổn thương sang công nhận phụ nữ chính là những người tạo ra thay đổi, tham gia và đóng góp ngày càng năng động, tích cực trong các ngành nghề vẫn thường được cho là “lĩnh vực của nam giới” như năng lượng, công nghiệp, điện tử, khoa học-công nghệ. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều phụ nữ còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội để nâng cao tay nghề, xây dựng năng lực, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, cũng như cơ hội thăng tiến nghề nghiệp do định kiến giới, phân biệt đối xử, và cả gánh nặng công việc gia đình.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ chia sẻ Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và để góp phần thực hiện mục tiêu này, Việt Nam luôn dành ưu tiên cao và đưa vào triển khai nhiều chính sách tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội.
Luật Bình đẳng giới của Việt Nam đề ra mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử, tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ tham gia phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế-xã hội, tiếp cận thông tin, vốn, thị trường, cũng như lao động. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các chính sách hỗ trợ hiệu quả như giờ làm linh hoạt cho các lao động nữ đang nuôi con nhỏ, trả lương toàn phần cho phụ nữ trong thời gian nghỉ nuôi con, cung cấp phòng chăm sóc trẻ tại nơi làm việc.
Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất ở khu vực, đạt 72.9%, trong đó, phụ nữ đóng góp tích cực vào các lĩnh vực công nghiệp như dệt may, da giày, lắp ráp linh kiện, điện tử, hóa chất, thủy điện. Nhiều doanh nhân và nhà khoa học nữ được vinh danh bởi những cống hiến và đóng góp quan trọng cả ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.