Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga Konovalov đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Sáng 20/11, tại Hà Nội, ông Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tiếp ngài Konovalov A.V, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga và các thành viên trong đoàn.
Vui mừng được đón tiếp ngài Konovalov A.V và các thành viên trong đoàn đến thăm, làm việc với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việt Nam và Liên bang Nga là hai nước có mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời; luôn đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau.
Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn biết ơn và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Hiện nay, Việt Nam - Liên bang Nga đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, trong đó có lĩnh vực tư pháp, đang phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án Liên bang Nga đang phát triển tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc, phong phú hơn quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Chánh án Trương Hòa Bình mong muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa Chính phủ và nhân dân hai nước; đồng thời Liên bang Nga luôn ủng hộ Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Konovalov A.V nhấn mạnh: Liên bang Nga và Việt Nam là hai nước có mối quan hệ lâu đời, thân thiết với nhau. Đặc biệt, hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hợp tác tư pháp.
Tại buổi tiếp, Chánh án Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Konovalov A.V đã chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Theo Chánh án Trương Hòa Bình, kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định và mang lại sự thay đổi quan trọng, sâu sắc đến hệ thống tòa án Việt Nam.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã xác định Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp năm 2013 cũng xác định nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Theo đó, hệ thống các Tòa án nhân dân được tổ chức thành 4 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện.
Trong đó, thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao hiện nay chỉ tập trung vào nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử…
Đánh giá cao những thành tựu cải cách tư pháp của Việt Nam thời gian qua, trong đó có lĩnh vực Tòa án, Bộ trưởng Konovalov A.V cho biết: Những năm qua, Liên bang Nga đã có nhiều đổi mới trong cải cách tư pháp, trong đó có lĩnh vực Tòa án.
Do đó, Liên bang Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp tài liệu cho Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, nhất là liên quan đến Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự…