Phát biểu tại cuộc họp, ông Mahamat Saleh Annadif, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ đã đánh giá tiến trình chính trị và việc thực hiện Thỏa thuận Hòa bình và Hòa giải dân tộc năm 2015 đã đạt được một số tiến triển tích cực trong thời gian qua. Thủ tướng Mali và các quan chức chính phủ lần đầu tiên tổ chức thành công Đối thoại quốc gia với sự tham gia rộng rãi của các thành phần; lần đầu tiên triển khai tái tổ chức quân đội tại một số tỉnh ở miền Bắc và miền Trung, tổ chức Hội nghị cấp cao về tăng cường sự tham gia của phụ nữ tại Mali và tổ chức vòng một cuộc bầu cử lập pháp (ngày 29/3).
Tuy nhiên, tình hình an ninh ở Mali vẫn chưa được cải thiện, hoạt động của khủng bố và các nhóm vũ trang vẫn chưa giảm, đặc biệt là các cuộc tấn công nhằm vào dân thường (có tới 266 vụ tấn công làm 249 người chết trong 3 tháng qua), chưa kể các vụ tấn công lực lượng an ninh và lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Tình hình nhân đạo vẫn đáng lo ngại, các cuộc tấn công khủng bố, vũ trang đang cản trở công tác nhân đạo tại Mali. Hiện nước này có 56 người bị mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Các thành viên HĐBA đã chia sẻ với những đánh giá của ông Annadif, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện Thỏa thuận Hòa bình năm 2015, ủng hộ thực hiện Kế hoạch điều chỉnh hoạt động của MINUSMA, bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh và về những cuộc tấn công làm nhiều binh sĩ thiệt mạng, đề nghị có các biện pháp giải quyết vấn đề này, cũng như đề nghị sớm có các biện pháp giúp Mali đối phó với dịch COVID-19, đồng thời đề cao vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình chính trị tại Mali.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, đã hoan nghênh những tiến triển các bên đạt được thời gian qua, đặc biệt là những nỗ lực của chính phủ Mali trong việc thúc đẩy triển khai 4 nghị quyết trong Đối thoại quốc gia hồi tháng 12/2019 nhằm triển khai thực chất Hiệp định hòa bình 2015.
Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, lực lượng an ninh Mali và lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Đại sứ cũng đánh giá cao vai trò của lực lượng G5 Sahel, Liên minh châu Phi (AU), MINUSMA và Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố tại Tây Phi và Sahel, đồng thời kêu gọi có những biện pháp hỗ trợ Mali trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp trên thế giới.