Việt Nam -  Hoa Kỳ là hình mẫu trong quan hệ giải quyết hậu quả sau chiến tranh

Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) vừa đưa vào sử dụng “Thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ” do Hoa Kỳ hỗ trợ có ý nghĩa rất quan trong trong việc thực hành, đào tạo xử lý vật liệu nổ sau chiến tranh. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của công tác này, phóng viên báo Tin tức (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper trả lời phỏng vấn.

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của công trình “Thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ” do Văn phòng Hợp tác Quốc phòng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam viện trợ cho VNMAC và Đại sứ có kỳ vọng gì khi công trình này đi vào hoạt động?

Câu hỏi của bạn rất hay. Tôi và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chúc mừng lễ khánh thành và bàn giao “Thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ” Ba Vì do Hoa Kỳ tài trợ cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đây là việc làm cụ thể khi chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được xây dựng dựa trên nền tảng hai nước hợp tác cùng xử lý các vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh, bao gồm những phần việc như: Xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng và bây giờ là sân bay Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật và rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại.

Từ năm 1993  Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam 234 triệu đô la và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam. Đây là công việc rất ý nghĩa khi chúng ta cùng hợp tác để có thể giúp người dân Việt Nam, trong đó có người dân  các tỉnh miền Trung như TP Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… khắc phục hậu quả bom mìn. Sau khi làm sạch ô nhiễm bom mìn, vật nổ, ở đây người dân và các em học sinh có thể đi làm, canh tác một cách an toàn và đây là mục tiêu chung của cả hai nước. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu này cùng với những đối tác từ Chính phủ Việt Nam, từ các tổ chức phi Chính phủ, như: Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy hay các tổ chức chính quyền địa phương hay Trung tâm hành động bom mìn của Quảng Trị... Đây là những đối tác tốt của chúng tôi và tất cả chúng ta đều có chung cam kết, mục tiêu, đó là đảm bảo cho người dân Việt Nam nói chung và người dân các tỉnh miền Trung nói riêng có thể sống, làm việc, học tập một cách an toàn.

Chú thích ảnh
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper và Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Phó Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 tham quan mô hình “Thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ” do Hoa Kỳ hỗ trợ.

Có ý kiến cho rằng, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là hình mẫu trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Đại sứ có đánh giá như thế nào về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong những năm qua?

Việt Nam – Hoa Kỳ hợp tác giải quyết những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh là việc làm cụ thể mà hai nước đã và đang triển khai kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia. 

Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ tìm kiếm, quy tập và hồi hương những hài cốt của quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Đây là công việc mà cả hai bên đã triển khai từ nhiều năm. Hiện nay chúng tôi đang có những chương trình hỗ trợ Việt Nam để tìm kiếm những hài cốt liệt sĩ đã hy sinh, công tác nghiên cứu tài liệu lưu trữ hay phân tích ADN, phân tích mã gen....

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác trong việc giải quyết những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh như: Xử lý ô nhiễm dioxin hay hỗ trợ người khuyết tật, rà phá bom mìn và đây không chỉ là những hoạt động hợp tác trên mặt lý thuyết mà là những công việc cụ thể. Trong đó có việc đào tạo, tập huấn cho những cán bộ của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, những người đang nỗ lực hàng ngày để rà phá bom mìn, vật nổ cũng như những nỗ lực tương tự trên toàn thế giới.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, thúc đẩy việc đóng góp cho mối quan hệ song phương giữa hai nước trong khu vực và trên thế giới. 

Chúng tôi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được mong muốn, cam kết của mình đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi đánh giá cao những cán bộ rà phá bom mình, họ là những con người dũng cảm, đang làm những công việc vô cùng nguy hiểm hàng ngày và họ đang sử dụng những thiết bị do Hoa Kỳ cung cấp và cũng như đang huấn luyện ở cơ sở mà Hoa Kỳ đã giúp đỡ để xây dựng. 

Đây chính là ví dụ, việc làm cụ thể minh chứng cho những gì mà Hoa Kỳ đã và đang làm ở Việt Nam thông qua việc hợp tác thúc đẩy an ninh, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức ((thực hiện))
Quảng Trị - Hình mẫu trong công tác rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh
Quảng Trị - Hình mẫu trong công tác rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh

Sau gần 30 năm (1996 - 2025) hợp tác với các tổ chức quốc tế, tỉnh Quảng Trị đã trở thành hình mẫu trong công tác rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN