Cần thiết ban hành Luật
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát Cơ động. Đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật này sẽ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng, trong đó có lực lượng Cảnh sát Cơ động; khắc phục hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động; đồng thời tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc xây dựng lực lượng Cảnh sát Cơ động đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Về vị trí, chức năng của Cảnh sát Cơ động quy định tại Điều 3 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, quy định như dự thảo Luật là cần thiết và phù hợp, thống nhất pháp luật hiện hành như Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam.
So với Pháp lệnh, tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động đã bổ sung quyền của Cảnh sát Cơ động, đó là quyền “Được mang theo người, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự”; đồng thời khoản này quy định rất rõ ba trường hợp cụ thể Cảnh sát Cơ động được thực hiện quyền nêu trên. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà thấy quyền này là cần thiết, phù hợp, khá chặt chẽ nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Pháp lệnh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế thời gian qua.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị giữ nguyên quy định về hệ thống tổ chức của Cảnh sát Cơ động như dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát Cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động và Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát Cơ động.
Liên quan đến quy định về thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Cơ động, Điều 28 dự thảo Luật quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh có quy định “…thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Cơ động theo quy định của pháp luật”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát thêm Luật Nhà ở để bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản Luật.
Nghiên cứu, đánh giá kỹ việc bổ sung thêm quyền hạn mới
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, có ý kiến rằng hai nhiệm vụ bổ sung cho Cảnh sát Cơ động là: Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với Cảnh sát Cơ động và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong Công an nhân dân; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương và phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, rất cần thiết đối với lực lượng này. Trên thực tế, lực lượng này thường xuyên phải thực hiện các nhiệm vụ có liên quan chuyên sâu nên cần huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với Cảnh sát Cơ động và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong Công an nhân dân; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, thực tế chứng minh, trong nhiều vụ việc phức tạp, lãnh đạo Công an nhân dân các cấp đều huy động lực lượng Cảnh sát Cơ động. Lực lượng Cảnh sát Cơ động đóng vai trò nòng cốt thực thi nhiệm vụ và phát huy tính xung kích, sức mạnh, thiện chiến, tinh nhuệ, sử dụng trấn áp, giải quyết các vấn đề mất an ninh trật tự rất nhanh, hiệu quả trong trấn áp của lực lượng thực thi pháp luật.
Không chỉ vậy, trong phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh… sự tham gia của lực lượng Cảnh sát Cơ động cũng mang lại hiệu quả cao. Như đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh vừa qua, tỉnh Bắc Giang không chỉ huy động lực lượng Cảnh sát Cơ động tỉnh mà còn nhận được sự chi viện Cảnh sát Cơ động của Bộ Công an. Lực lượng này là nòng cốt thực hiện nhiệm vụ tăng cường tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự, đồng thời còn thực thi giữ vững các chốt chặn, thực hiện kiểm soát ra vào vùng dịch, khu vực cách ly rất hiệu quả. Khi các lực lượng tuyến đầu buộc phải cách ly, lực lượng Cảnh sát Cơ động đã kịp thời bổ sung thay thế và thực hiện ngay lập tức các nhiệm vụ đó.
Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động có bổ sung thêm hai quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát Cơ động, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn rồi cung cấp cho các đại biểu, nhân dân thấy rõ sự cần thiết mới hãy bổ sung. Về quyền “… được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong một số trường hợp…” cần nghiên cứu kỹ thông lệ quốc tế, để khi thực hiện không bị chồng chéo và phải nghiên cứu thêm các điều khoản an toàn cho ngành Hàng không. Khi triển khai, phải tính đến việc sẽ phát sinh thêm quá nhiều lực lượng cũng như chi phí đầu tư. Thực chất hai quyền này có nhiều lực lượng khác đang làm như lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn bay. Công tác quản lý vùng trời, các phương tiện bay không người lái cũng vậy, hiện lực lượng quân đội (Bộ Quốc phòng) đang thực hiện.