Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm việc tại Điện Biên

Trong hai ngày 9 và 10/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Điện Biên.

Chú thích ảnh
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Nội dung làm việc là về việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (khóa VII) gắn với Thông báo Kết luận số 64-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số công tác ở vùng dân tộc Mông

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Điện Biên, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến rõ rệt, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đầu người ước đạt hơn 27 triệu đồng/năm (năm 2018). Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng công nghiệp hóa, 130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã và có điện, tỷ lệ sử dụng điện đạt gần 90%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào dân tộc; đến nay toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, số tiêu chí bình quân chung là 8,6 tiêu chí/xã.

Năm 2018, tổng hộ  nghèo toàn tỉnh có hơn 47.000 hộ, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số có hơn 46.000 hộ; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm ước còn hơn 37%. Các chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được quan tâm. 

Đặc biệt các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào như chương trình 135; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào thiểu số; chính sách trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu; công tác xóa đói giảm nghèo, nâng mức sống cho đồng bào dân tộc thiếu số…đã được tỉnh tập trung nguồn lực ngày một nhiều hơn.

Hệ thống chính trị vùng đồng bào các dân tộc được củng cố, kiện toàn. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số, người Mông tham gia trong hệ thống chính trị tăng; đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cấp ủy, chính quyền, yên tâm lao động sản xuất, từng bước từ bỏ hủ tục, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.  

Về việc thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW gắn với Thông báo Kết luận số 64-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số công tác ở vùng dân tộc Mông, sau 25 năm tình hình kinh tế, đời sống của vùng đồng bào dân tộc Mông đã có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có hơn 7.000 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, trong đó hộ dân tộc Mông chiếm 30%. Hiện nay 100% trẻ dân tộc Mông cấp mầm non ra lớp được tăng cường tiếng Việt theo quy định. Toàn tỉnh có 28 trường tiểu học tổ chức dạy tiếng Mông cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, trọng tâm là xây dựng bản làng văn hóa, gia đình văn hóa được đã được địa phương quan tâm thực hiện.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao quá trình triển khai Nghị quyết số 24 và Chỉ thị số 45 của tỉnh Điện Biên. Kết quả nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các văn bản, nêu cao tinh thần trách nhiệm và công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đến các cấp cơ sở.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, công tác dân tộc, dân vận là công tác chủ yếu, toàn diện và căn bản đối với Điện Biên bởi tỉnh có tỷ lệ dân tộc cao với 19 cộng đồng dân tộc. Điện Biên đã có những bước phát triển trong việc nâng cao thu nhập của người dân, nhất là người dân vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tỉnh Điện Biên đã phát huy nội lực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã quan tâm hơn đến điều kiện sống của người dân vùng tái định cư, vùng biên giới và có hướng thay đổi sinh kế cho người dân.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng đánh giá cao công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị và việc bố trí cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị của tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trưởng ban Dân vận Trung ương, tỉnh Điện Biên vẫn là một tỉnh trong tốp nghèo nhất cả nước nên công tác xóa đói giảm nghèo ở địa bàn cần được quan tâm hơn; đặc biệt là đối với dân tộc rất ít người như dân tộc Cống và SiLa.

Đối với dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Mông thấp hơn so với tỷ lệ chung của các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Do đó người Mông là điểm sáng tích cực trong sản xuất, phát triển kinh tế. Đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Mông được bảo tồn, gìn giữ bản sắc cũng là nỗ lực rất lớn của đồng bào Mông. Vì vậy tỉnh cũng cần có những chính sách ghi nhận, biểu dương và quan tâm hơn nữa để cộng đồng các dân tộc trên địa bàn nói chung, cộng đồng người Mông nói riêng đoàn kết, chung tay gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc.

Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, Điện Biên có đường biên giới quốc gia dài, có 4 huyện biên giới, có 5 huyện nghèo thụ hưởng Chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 29 xã giáp biên giới, hàng chục xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do vậy tỉnh cần quan tâm xóa đói giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều; quan tâm hơn nữa đến chất lượng giáo dục để thay đổi nhận thức của giới trẻ, từ đó để có nguồn lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trong tương lai. Phát huy vai trò của hệ thống già làng, trưởng bản, người có uy tín trong xây dựng đời sống văn hóa, xã hội, bản làng. Công tác đầu tư trong các vùng dân tộc thiểu số cũng cần quan tâm, chú trọng hơn…

Trước đó, chiều 9/4, đồng chí Trương Thị Mai cùng đoàn công tác đã buổi làm việc với huyện Điện Biên về công tác dân tộc và gặp gỡ, đối thoại với 45 già làng, trưởng bản, người có uy tín của 4 xã: Hua Thanh, Thanh Nưa, Mường Pồn, Nà Nhạn (huyện Điện Biên).

Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để nghiên cứu, tham mưu, tiếp tục xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời biểu dương già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên đã cố gắng, phấn đấu, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp quan trọng vào sự phát triển quê hương, đất nước, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở.

Nhân chuyến công tác, đoàn công tác đã trao 25 suất quà cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao 50 suất quà cho trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao 25 suất quà cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh.

Xuân Tiến - Xuân Tư - Tuấn Anh (TTXVN)
Thực hiện giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Thực hiện giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Chiều 9/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018” tổ chức phiên họp lần thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN