Theo đó, tỉnh Kiên Giang triển khai đảm bảo hài hòa mục tiêu Nghị quyết đề ra mà không làm xáo trộn bộ máy, tránh trường hợp xảy ra chuyện giải thể chỗ này nhưng chỗ kia lại "phình" ra.
Kiên Giang tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP, Chương trình hành động số 38 của Tỉnh ủy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động của tập thể, người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, cụ thể hóa những nhiệm vụ và nội dung chủ yếu để UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tỉnh và thực tiễn của địa phương.
Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp phải đảm bảo với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị. Trong quá trình sắp xếp phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các cơ quan, đơn vị không bị gián đoạn, xáo trộn; sau khi sắp xếp lại hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn; tập trung huy động, phát huy tiềm năng các nguồn lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có.
Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức đúng quy định và đảm bảo quyền lợi. Bên cạnh đó, phải xác định rõ trọng tâm, lộ trình, các giải pháp chủ yếu để các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp của tỉnh xây dựng kế hoạch, đề án tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, đảm bảo đạt được mục tiêu, hiệu quả công tác sắp xếp, kiện toàn đơn vị sự nghiệp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đã xác định, muốn cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tăng ngân sách cho đầu tư phát triển thì phải sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế gắn với trách nhiệm cấp ủy, trách nhiệm của người đứng đầu. Do vậy, thời gian tới không có việc giải thể chỗ này, phình ra chỗ kia.
Theo đó, đối với cấp tỉnh, Kiên Giang sắp xếp tinh gọn bộ máy bên trong của từng, sở, ngành theo hướng sáp nhập phòng chuyên môn có quy mô nhỏ, biên chế ít (dưới 5 biên chế), nhiệm vụ ít hoặc phân tán; giảm các tổ chức trung gian làm cồng kềnh bộ máy, chuyển các chi cục, ban có quy mô từ 17 biên chế trở xuống thành phòng, ban chuyên môn trực thuộc sở, ngành, chỉ giữ lại các chi cục, ban được phân cấp, ủy quyền của cấp có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi quản lý Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực, có khối lượng công việc yêu cầu có biên chế tối thiểu từ 17 biên chế trở lên.
Cấp huyện, sắp xếp lại phòng chuyên môn cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; giải thể Phòng y tế, Phòng dân tộc và bố trí chuyên viên làm công tác quản lý Nhà nước về y tế, dân tộc tại Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện.
Đối với cấp xã, thực hiện rà soát, sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định của Luật tổ chức hành chính địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (trừ các xã đảo, biên giới). Đồng thời, rà soát, sắp xếp, sáp nhập các ấp, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 09 của Bộ Nội vụ; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố.
Tỉnh Kiên Giang đề ra nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% (bằng 100 đơn vị) đầu mối, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, hạn chế tối đa sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ; giảm 10% (3.318 biên chế) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015 và bổ sung năm 2016, 2017; chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đảm bảo tự chủ tài chính; phấn đấu 10% (100 đơn vị) tự chủ hoàn toàn về tài chính và 15% (150 đơn vị) tự chủ một phần về tài chính, giảm bình quân 10% (100 đơn vị) chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn năm 2011 - 2015.
Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% (90 đơn vị) đơn vị công lập và 10% (2.986 biên chế) sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021; năm 2030, tiếp tục giảm đầu mối, giảm 10% (2.687 biên chế) sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với 2025.