Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình và Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Đảng Trung ương chủ trì tọa đàm.
Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao "chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu nội dung chuẩn mực đạo đức cách mạng làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên phấn đấu rèn luyện", ngày 6/4/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức tọa đàm khoa học lần thứ nhất. Tại cuộc tọa đàm này, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng, khẳng định việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là vấn đề cấp thiết, tạo cơ sở cho cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đồng thời là cơ sở để các cấp ủy đánh giá cán bộ, đảng viên; góp phần trực tiếp vào cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; thống nhất cách hiểu về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và một số khái niệm liên quan; thống nhất phương thức xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng theo hướng làm rõ các chuẩn mực, phẩm chất đạo đức theo các mối quan hệ.
Tiếp thu các ý kiến chuyên gia tại cuộc tọa đàm lần thứ nhất và căn cứ quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII cũng như nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì dự thảo bản Hệ thống hóa các chuẩn mực đạo đức của cán bộ đảng viên trong giai đoạn mới với 4 nhóm nội dung chuẩn mực đạo đức gắn với các mối quan hệ cụ thể: Một là đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và nhân loại; Hai là đối với bản thân, gia đình, đồng chí, đồng nghiệp; Ba là với công việc; Bốn là đối với các thế lực thù địch. Trong mỗi nhóm cũng đã bước đầu xây dựng khung nội dung cụ thể của các chuẩn mực.
Tại cuộc tọa đàm, các nhà khoa học, các chuyên gia đã cho ý kiến sâu hơn, kỹ hơn và toàn diện hơn trên các khía cạnh, yêu cầu chuẩn mực đạo đức, vừa đảm bảo tính khái quát, toàn diện, vừa đảm bảo sự cụ thể hóa, khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thế Thắng cần thiết phải xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, tạo chuyển biến tốt trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức. Quan hệ đạo đức của cán bộ, đảng viên với Đảng và Nhà nước, với Đảng và Tổ quốc phải thống nhất làm một. Cán bộ, đảng viên phải trung thành với Đảng với Nhà nước và Tổ quốc; có trách nhiệm đạo đức với Đảng, Nhà nước và Tổ quốc thì mới xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và giữ vững vai trò Đảng cầm quyền cùng với sự tồn tại và phát triển của Tổ quốc. Các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phải là động lực trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, chống lại các lực lượng thù địch của cách mạng. Đạo đức cách mạng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân...
Phân tích các lý do xác định các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay trong mối quan hệ với các thế lực thù địch, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh các chuẩn mực đạo đức cơ bản của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với các thế lực thù địch có yêu cầu cao về sự hi sinh, sự cương quyết và sự khôn khéo. Nếu cán bộ, đảng viên nào không thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với mình và với các đối tượng khác thì họ sẽ không thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với các thế lực thù địch. Ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên nào đã thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với các thế lực thù địch thì họ cũng đã thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với mình và với các đối tượng.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Quang Hiển nhận định xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên nói chung và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với công việc, với đồng chí, đồng nghiệp, với cấp trên, với cấp dưới nói riêng hiện nay là cấp thiết. Để xây dựng chuẩn mực đó, một mặt phải "chống nguy cơ sai lầm về đường lối, sai lầm về lựa chọn và bố trí cán bộ", bố trí cán bộ phải phù hợp với nhiệm vụ, chức trách, "kịp thời thay thế những cán bộ, công chức yếu kém và thoái hóa". Mặt khác phải "kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
Kết quả của cuộc tọa đàm sẽ tiếp tục cung cấp những luận cứ khoa học vững chắc, làm cơ sở để Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu tổ chức hội thảo cấp quốc gia về nội dung này.