Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, song trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo hai bên tiếp tục được duy trì.
Đất nước có nền văn minh rực rỡ
Nước Cộng hòa Hy Lạp nằm tại phía Nam bán đảo Balkan, phía Đông Nam châu Âu với diện tích hơn 131 nghìn km2 với dân số hơn 10 triệu người. Ngoài phần đất liền, Hy Lạp còn có khoảng 3.000 hòn đảo nằm rải rác từ biển Ionian đến biển E-giê, trong đó 1.200 đảo có người sinh sống. Crete là đảo lớn và đông dân nhất. Hy Lạp có khí hậu đặc trưng khu vực Địa Trung Hải: mùa Hè khô nóng, mùa Đông lạnh, ẩm ướt, nhiệt độ trung bình mùa Đông 6-13 độ C và mùa Hè từ 23-33 độ C.
Đất nước Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn minh quanh khu vực Địa Trung Hải. Dưới thời Vua Alexandros Đại đế (thế kỷ IV trước Công nguyên), người Hy Lạp đã có những cuộc bành trướng rộng khắp Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ, dẫn tới ảnh hưởng văn hóa của Hy Lạp lan rộng, kéo dài từ biển E-giê đến vùng Cáp-ca-dơ Trung Á. Sau này, khi Đế chế La Mã thành lập và trở nên hùng mạnh, Hy Lạp đã trở thành một tỉnh của La Mã nhưng văn hóa, tinh hoa Hy Lạp cổ đại vẫn được duy trì và phát triển và là nền móng của văn minh phương Tây hiện đại. Hy Lạp là nơi ra đời Thế vận hội (Olympic) đầu tiên vào năm 776 trước Công nguyên, khởi nguồn của Thế vận hội Olympic hiện đại ngày nay.
Hiện nay, Hy Lạp theo chính thể Cộng hòa đại nghị. Người đứng đầu Nhà nước là Tổng thống, do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ 5 năm tối đa được bầu 2 nhiệm kỳ. Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng do Tống thống chỉ định lãnh đạo đảng nắm đa số phiếu bầu. Cơ quan lập pháp là Quốc hội một viện có 300 ghế, các thành viên được bầu theo phổ thông đầu phiếu, bầu cử 4 năm/lần. Tuy nhiên Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm.
Về kinh tế, Hy Lạp là quốc gia biển, có nghề truyền thống là vận tải biển từ thời cổ đại và hiện nay. Vận tải biển là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Hy Lạp, chiếm 6,5% GDP, sử dụng khoảng 260.000 người (7% lực lượng lao động). Hy Lạp kiểm soát đội tàu buôn lớn nhất thế giới với tổng trọng tải 334.649.089 tấn và sở hữu 5.226 tàu, chiếm 20% lượng tàu trên thế giới, dẫn đầu thế giới về tổng giá trị tàu với hơn 100 tỷ USD. Hy Lạp xếp hạng đầu cho tất cả các loại tàu, trong đó đứng đầu về tàu chở dầu và tàu chở hàng rời.
Ngành kinh tế mũi nhọn thứ 2 của Hy Lạp là du lịch. Đây là quốc gia rất có kinh nghiệm làm du lịch với lượng khách du lịch tăng đều hàng năm bất chấp khủng hoảng kinh tế. Năm 2018, khách du lịch nước ngoài tới Hy Lạp đạt 30 triệu người, gấp 3 lần dân số Hy Lạp.
Bên cạnh đó, Hy Lạp phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như: đóng tàu, dệt, hóa chất, khai thác khoáng sản, dầu khí, chế biến thực phẩm, sản xuất thuốc lá...
Làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương
Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/4/1975. Hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí địa chính trị quan trọng, đều là nước nhỏ đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và thường xuyên bị các nước lớn dòm ngó, đe dọa, chèn ép. Nhân dân Hy Lạp và Đảng Cộng sản Hy Lạp ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Đảng Cộng sản Hy Lạp nhiều lần ra tuyên bố lên án đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam. Tháng 3/2007, Hy Lạp mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Tháng 12/2010, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Athens. Ngày 26/3/2012, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán.
Trong thời gian qua, mặc dù phải giải quyết khủng hoảng nợ công với nhiều vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội, đối phó với khủng hoảng di dân và tỵ nạn, tập trung vào quan hệ với châu Âu và các định chế tài chính, Hy Lạp vẫn rất coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Hiện nay, quan hệ kinh tế Việt Nam-Hy Lạp còn khiêm tốn; tuy nhiên, trao đổi thương mại song phương tăng trưởng khá nhanh trong 5 năm gần đây. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Hy Lạp tăng mạnh và Việt Nam luôn xuất siêu ở mức cao. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hy Lạp đạt hơn 446 triệu USD, tăng 33% so với năm 2020.
Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Hy Lạp gồm: Giày dép (18 triệu USD) và dệt may (3,6 triệu USD), thủy sản (5,8 triệu USD ) và đồ gỗ (2,6 triệu USD). Thời gian gần đây, hạt điều, cà phê và sản phẩm sắt, thép là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Hy Lạp khá cao. Đặc biệt, từ năm 2013, xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động sang Hy Lạp tăng đột biến đạt từ 73.9 triệu USD năm 2014 lên 116 triệu USD năm 2020, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này. Ngoài ra các mặt hàng rau quả, cao su... tuy có giá trị thấp nhưng cũng có tiềm năng. Theo chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Hy Lạp còn thấp, tập trung vào một số mặt hàng chính bao gồm giấy và bìa, nguyên liệu sản xuất thuốc lá… với khối lượng nhỏ.
Trong hợp tác phát triển, Hy Lạp có một số hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào lũ lụt, người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam... như: xây trường học tại Huế trị giá 200.000 USD, ủng hộ 100.000 USD cho quỹ chất độc màu da cam, tặng 100 xe lăn cho tổ chức hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam...
Đến nay, Việt Nam và Hy Lạp đã ký kết một số văn bản hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương. Đó là, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, công nghiệp và công nghệ giữa hai nước năm 1996; Hiệp định khung về Hợp tác du lịch năm 2007; Hiệp định về hợp tác Văn hóa năm 2008; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 2008; Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước năm 2008; Biên bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Hy Lạp năm 2008; Hiệp định Vận tải hàng không năm 2009; Hiệp định Hợp tác Du lịch năm 2013; Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao năm 2018… Hy Lạp là một trong những nước EU phê chuẩn Hiệp định đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm nhất và ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou từ ngày 15-19/5/2022 sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt như chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch…, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn.