Ngày 14/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang - một địa bàn cực Nam Tổ quốc sở hữu bờ biển hơn 200 km với hơn 137 hòn, đảo lớn nhỏ, trong đó có Phú Quốc - đảo lớn nhất và cũng là thương hiệu du lịch đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát một số công trình đang xây dựng của Tập đoàn Vingroup tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đi lên từ kinh tế biển Không chỉ có ranh giới quốc gia
trên biển, giáp với các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia, Kiên Giang
còn là tỉnh ven biển có hệ sinh thái vùng ngập mặn ven bờ phong phú và
đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản và
du lịch...
Ở Kiên Giang, kinh tế biển có vai trò to lớn với tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chiếm hơn 2/3 toàn tỉnh. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 của Kiên Giang đạt trên 10,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.500 USD (đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long sau TP.Cần Thơ và cao hơn cả nước). Năm 2016, mặc dù là một trong những địa phương gặp khó khăn nhất do hạn hán và xâm nhập mặn sâu nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 6,57% và cao hơn cả nước (6,21%).
Du lịch – lợi thế đặc biệt của Kiên Giang đạt gần 5,41 triệu lượt khách n ăm 2016 tăng 24% so với cùng kỳ, đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó khách quốc tế gần 320 nghìn người tăng 31% so với cùng kỳ . Trong quý I/2017, khách du lịch đến Kiên Giang đạt 1,46 triệu lượt, tăng 5,9%, trong đó khách quốc tế gần 110.739 lượt khách, tăng 10,7% so với cùng kỳ (riêng khách quốc tế đến Phú Quốc 94.822 lượt khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ).
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, Kiên Giang đã xây dựng 4 vùng du lịch trọng điểm gồm đảo Phú Quốc; Vùng Hà Tiên – Kiên Lương; Thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận và Vùng U Minh Thượng.
Riêng trên địa bàn huyện Phú Quốc hiện có 254 dự án ước tổng vốn đầu tư đạt 377.836 t ỷ đ ồ ng . Đến nay đă có 193 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký 215.194 tỷ đồng trong đó có 30 dự án đã đi vào hoạt động. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư rất hiệu quả vào Phú Quốc như: Vin Group, Sun Group, Bim Group, CEO Group, Thai Group...
Kiên Giang đang đặt mục tiêu 2017 phấn đấu thu ngân sách Nhà nước ở mức 8.838 tỷ đồng; phấn đấu đạt 5.820.000 lượt khách du lịch, trong đó khách nước ngoài đạt 360.000 lượt.
Phấn đấu tự trang trải ngân sách vào cuối nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, Kiên
Giang như một nước Việt Nam thu nhỏ có vị thế rất quan trọng không chỉ
về kinh tế mà còn cả trong quốc phòng, an ninh, đối ngoại và có vị thế
đặc biệt trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, kinh tế-xã hội của Kiên Giang phát triển toàn diện ở tốc độ cao cả về kinh tế biển, sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả. Bày tỏ ấn tượng về tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Kiên Giang, cùng với đó là thu hút đầu tư vào Phú Quốc với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, Thủ tướng đánh giá, nội lực của nền kinh tế Kiên Giang ở mức khá, hướng phát triển bền vững, đời sống người dân liên tục được cải thiện.
Chỉ ra những khó khăn, thách thức của địa phương, Thủ tướng nêu rõ, Kiên Giang là 1 trong những tỉnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh cũng đứng trước những yêu cầu cao về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới của đất nước; tình trạng khai thác cát, các vấn đề về môi trường…. Kiên Giang vẫn là 1 tỉnh nghèo, nhận trợ cấp từ trung ương, chỉ tự chủ được 70% nhu cầu chi. Thủ tướng đề nghị cần khơi dậy niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân Kiên Giang để sớm thoát ra khỏi 1 tỉnh nghèo vào cuối nhiệm kỳ này; phấn đấu tự trang trải được ngân sách.
Thủ tướng cho biết, mô hình đặc khu hành chính kinh tế Phú Quốc đang ở giai đoạn triển khai xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, song với tiềm năng và thực trạng của mình, Phú Quốc phải là mô hình đi trước trong 3 Đặc khu hành chính kinh tế của Việt Nam.
"Một hạt ngọc lớn còn tốt hơn 10 hạt ngọc quá nhỏ cộng lại” Chỉ ra tầm nhìn phát triển của Kiên Giang, Thủ tướng đề nghị, trong tương lai gần, Kiên Giang phải phấn đấu trở thành tỉnh giàu có và đổi mới toàn diện dựa trên những lợi thế so sánh tự nhiên với những giải pháp năng động; ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch, nông nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến. Thủ tướng cho rằng, động lực trung tâm để Kiên Giang phát triển bứt phá về kinh tế trong thời gian tới chính là mô hình Đặc khu hành chính kinh tế Phú Quốc.
“Phát triển đảo ngọc Phú Quốc thành viên ngọc quý, viên ngọc lớn, trù phú và thịnh vượng, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng độc đáo tầm cỡ quốc tế”, Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Thủ tướng, tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải là cạnh tranh với các địa phương khác ở Việt Nam mà thu hút nguồn lực đầu tư vào Phú Quốc để Phú Quốc là điểm đến hấp dẫn mang tầm quốc tế, khu vực thu hút các nhà đầu tư, người giỏi, người thông minh.
Cho rằng cần chọn những ý tưởng tinh túy vào đảo ngọc này, tránh các dự án đầu tư ngắn hạn, thiếu tầm nhìn vào Phú Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh: “Một hạt ngọc lớn còn tốt hơn 10 hạt ngọc quá nhỏ cộng lại”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng gợi ý phát triển Phú Quốc trở thành Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt không đơn điệu là du lịch, vui chơi giải trí nhưng cũng không nên quá dàn trải mà cần chọn một số lĩnh vực trung tâm để ưu tiên đầu tư với mục tiêu xây dựng Phú Quốc hiện đại, không chỉ về thể chế quản lý, diện mạo và cơ sở hạ tầng, dịch vụ cao cấp mà còn phải giữ gìn cảnh quan núi rừng, tự nhiên và bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống.
Thủ tướng nêu rõ cần đưa Phú Quốc cất cánh từ những cơ chế, chính sách đặc biệt chứ không phải những biệt đãi về nguồn lực mà cần có những giải pháp thể chế mang tính đột phá mở đường cho phát triển kinh tế và dân sinh, nhất là trong Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt để đảm bảo thể chế có sự vượt trội, có tính cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Định hướng những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho Phú Quốc, Thủ tướng đề nghị Kiên Giang chú trọng hoàn thiện quy hoạch phát triển Phú Quốc với tầm nhìn 30 năm, 50 năm trên mọi lĩnh vực. Nhấn mạnh đến tiềm năng đất đai, Thủ tướng đề nghị cần bố trí dự trữ nguồn đất đai để sử dụng hiệu quả. Cùng với đó là phải chú ý nhiệm vụ đảm bảo chất lượng môi trường, nước thải, chất thải vệ sinh, hệ sinh thái biển, đặc biệt là thực vật biển, rặng san hô để Phú Quốc thực sự là một thiên đường du lịch cho hoạt động nghỉ dưỡng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo cần quan tâm đến lợi ích người dân, nhất là sinh kế, không để người dân đứng bên lề của sự phát triển. Theo đó, phải kết hợp xây dựng hạ tầng du lịch, bệnh viện kết hợp phục vụ đời sống người dân địa phương; đa dạng hóa du lịch cộng đồng; có chính sách ưu đãi, miễn thuế cho nhà đầu tư và yêu cầu nhà đầu tư tham gia tạo việc làm, đào tạo nghề cho người dân tại chỗ để hình thành cộng đồng phát triển du lịch, tránh tình trạng lộn xộn, buôn bán manh mún.
Phát triển Phú Quốc hướng tới tăng trưởng bao trùm, tạo tương lai nghề nghiệp cho người dân địa phương. Mô hình phát triển Phú Quốc cần có tính dung hợp, đảm bảo sự chia sẻ lợi ích hài hòa giữa người dân, Nhà nước, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường.
Biểu dương các tập đoàn, doanh nghiệp Sun Group và Vin Group và những nhà đầu tư khác đã có nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả góp phần phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc.
Thủ tướng cũng căn dặn tỉnh Kiên Giang nghiên cứu tái cơ cấu kinh tế trong điều kiện biến đổi khí hậu; cùng với đó là triển khai toàn diện nhiệm vụ kinh tế xã hội đi đôi với đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2017 một cách toàn diện; trong đó chú ý cải tiến môi trường đầu tư; an ninh trật tự, an toàn xã hội và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ gìn thương hiệu du lịch Phú Quốc.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu thành lập Trung tâm tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tại Phú Quốc để phục vụ hoạt động giao thông và an toàn du lịch.
Thủ tướng nêu rõ, cần có những cơ chế chính sách thông thoáng, rộng và đổi mới để phát triển mạnh mẽ đảo ngọc Phú Quốc; từ đó xây dựng Kiên Giang thành tỉnh đổi mới, giàu có, phát triển toàn diện góp phần phát triển mạnh mẽ khu vực cực Nam Tổ quốc; là tiền để để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.