Dự buổi gặp mặt có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các bộ: Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội; đặc biệt có 50 đại biểu là các Lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các chiến sĩ bị địch bắt tù, đày, thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Nguyên, đại diện cho gần 10 triệu người có công với cách mạng trong cả nước.
Tại buổi gặp mặt, đại diện đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ xúc động ôn lại những năm tháng hào hùng của toàn Đảng, toàn dân ta; bày tỏ sự vinh dự, tự hào được đóng góp một phần cho tổ quốc; đánh giá cao sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc hóa học; đồng thời bày tỏ quyết tâm tiếp tục gương mẫu sinh sống, lao động, học tập, xứng đáng với truyền thống yêu nước của dân tộc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự tri ân và biết ơn sâu sắc nhất tới các Lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng. Đồng thời., Thủ tướng khẳng định, sự biết ơn gắn với trách nhiệm luôn là nỗi trăn trở trong suy nghĩ và hành động của các cấp lãnh đạo, trong nhân dân và đây cũng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
Thủ tướng Chính phủ xúc động chia sẻ, chiến tranh đã dần lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Hàng triệu người con gửi lại tuổi thanh xuân, gửi lại ước mơ, gửi lại khát vọng dưới lòng đất mẹ. Thủ tướng đã đọc những ca từ trong bài hát “Người mẹ của tôi” của nhạc sỹ Xuân Hồng để nói lên tình cảm của mình đối với những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, con mất cha… và những người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường: “Nước mắt mẹ không còn/ vì khóc những đứa con/ Lần lượt ra đi, mãi mãi”.
Thủ tướng cũng bày tỏ sự thấu hiểu về những lúc “trái nắng, trở trời” vì vết thương lại thêm đau nhức của các thương, bệnh binh. Nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh, thậm chí nhiều người đến nay chưa xác định được tên hoặc chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều đồng chí trở về nhưng di chứng chất độc da cam vẫn ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Kể cả trong thời bình, lực lượng vũ trang vẫn phải chứng kiến mất mát, đau thương, vẫn có những đồng chí hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và vì sự bình yên của nhân dân. “Nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam cũng khắc ghi sự hy sinh cao cả vì nền độc lập của dân tộc và thống nhất đất nước”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ nhắc lại lời của Bác Hồ lúc sinh thời: “Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sự hy sinh của các thế hệ là để xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Và mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Kết quả đó là sự kết tinh tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và sự cố gắng của cả dân tộc ta, trong đó có sự đóng góp của các Mẹ Việt Nam Anh hùng các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh và gia đình có công với cách mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần với người có công luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Chính sách về người có công luôn được hoàn thiện; nguồn lực được ưu tiên bố trí quan tâm đến người có công. Gần đây nhất, năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã thông qua Pháp lệnh số 02 ngày 09/12/2020 về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ với người có công với cách mạng.
Hiện nay, trên 9,2 triệu người có công được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng nghìn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Phong trào đền ơn đáp nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng hành của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đã lan tỏa rộng khắp cả nước với nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Chính phủ không chỉ quan tâm đến ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 mà chính sách đối với người có công là vấn đề luôn được quan tâm thường xuyên, nhất quán, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức có hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chính phủ đã triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công và gia đình chính sách. Chính phủ sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước; luôn quan tâm bằng giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhanh và hiệu quả nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục có hình thức giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì sự bình yên của nhân dân. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, tôn tạo chỉnh trang các nghĩa trang liệt sỹ. Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm, quy tập, ứng dụng công nghệ và khoa học để lưu trữ, giám định ADN hài cốt liệt sỹ…
Thủ tướng cho rằng các đại biểu tham dự gặp mặt hôm nay là đại diện tiêu biểu cho những người có công cả nước, là những người truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đất nước chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 với những biến thể mới rất nguy hiểm, khó lường và khó dự báo. Nhiều tấm gương về nghị lực kiên cường, lòng yêu nước, sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết, vượt khó của các thế hệ đi trước là nguồn cảm hứng đến từng người dân để chúng ta cùng nhau chiến thắng đại dịch.