Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tham gia buổi làm việc đánh dấu bắt đầu chuyến công tác tại Tây Nguyên của Thủ tướng còn có lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo.
Vui mừng được trở lại thăm Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Trung ương Đảng, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm đến hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nói riêng cũng như việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung.
Đánh giá về kết quả công tác của Ban, Thủ tướng cho rằng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò cơ quan thường trực chỉ đạo , điều phối chung hoạt động phát triển vùng. Cán bộ, công chức, nhân viên Ban Chỉ đạo đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trong quá trình đó, Ban Chỉ đạo cũng thường xuyên gắn bó mật thiết với chính quyền các cấp và bà con các dân tộc khu vực Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng, Nhà nước đang tiếp tục kiện toàn, củng cố các Ban Chỉ đạo trên địa bàn cả nước để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo các tỉnh trong khu vực phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo; xây dựng, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nhất là tại buôn làng gắn với thực hiện tốt trên thực tế chính sách dân tộc, tôn giáo, duy trì khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, phương thức hoạt động cho phù hợp với vai trò của cơ quan chỉ đạo trung ương trên địa bàn Tây Nguyên; không ngừng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo nguồn cho Trung ương và chính quyền các cấp trên địa bàn.
Đề cập đến vị trí địa chính trị trọng yếu của vùng đất Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện tốt công tác quản lý đất đai phục vụ sản xuất; quản lý nguồn nước, tài nguyên rừng, nhằm bảo đảm điều kiện sống, sinh hoạt và làm việc của nhân dân.
Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo và các tỉnh Tây Nguyên chủ động hơn nữa trong công tác nắm tình hình, đi sâu, đi sát cơ sở để kịp thời báo cáo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện chủ trương chính sách; có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp những tình huống cấp bách; tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu giữ vững ổn định chính trị và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tăng cường giám sát các công trình kinh tế-xã hội quan trọng trên địa bàn như kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển thủy điện. Ban Chỉ đạo cũng đã sớm cảnh báo tình hình khô hạn và sa mạc hóa tại vùng Tây Nguyên; tham mưu cho Chính phủ xây dựng và phát triển hệ thống thủy lợi toàn vùng; phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư vùng Tây nguyên với 3 hội nghị lớn được tổ chức.
Ban Chỉ đạo cũng đã đề xuất nghiên cứu phát triển liên kết vùng và lựa chọn được những lĩnh vực ưu tiên để tổ chức ký kết, hợp tác; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề; đồng thời tích cực chăm lo đời sống đồng bào có đạo theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo cũng không ngừng đẩy mạnh việc phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng, tổ chức cơ sở đảng trong vùng, nhất là định hình hình thức sinh hoạt chi bộ tại buôn làng để nắm bắt tâm tư tình cảm của bà con; qua đó góp phần nắm vững tư tưởng, diễn biến ở cơ sở.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi và tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số tại Buôn HĐơk, xã Eakao, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
* Chiều 19/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương đã tới thăm hỏi, động viên bà con buôn H’Đơk, xã Eakao, thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là một trong những xã điểm của Đắk Lắk trong triển khai chương trình nông thôn mới. Với sự hỗ trợ của tỉnh, chính quyền và nhân dân EaKao đã đồng lòng, quyết tâm chung sức vượt qua khó khăn xây dựng và hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015.
EaKao là một xã có xuất phát điểm rất thấp, có cư dân của 28 tỉnh, thành phố trong cả nước với 11 dân tộc cùng sinh sống. Ngành nghề của xã còn chưa phát triển, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn.
Tuy nhiên, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân xã, những năm qua, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo hỗ trợ nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh, thành phố, Eakao đã vươn lên hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Người dân xã EaKao đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang đồng ruộng, đồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2015 đạt gần 25 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%. Người dân EaKao hiện có các ngành nghề chính như: Trồng cà phê, may công nghiệp, sửa chữa công nghiệp, thú y… Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.Trong đợt bầu cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua, toàn xã đạt tỷ lệ 99,9% cử tri đi bầu cử.
Vui mừng trước những chuyển biến tích cực về kinh tế, đời sống, thu nhập của người dân buôn H’Đơk và xã Eakao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc buôn H’Đớk và xã Eakao.
Thủ tướng cho rằng với đặc thù cư dân nhiều tỉnh, thành phố, đa dân tộc cùng sinh sống với 17.000 khẩu nhưng hệ thống chính trị từ xã đến buôn được củng cố và hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ cử tri trong xã đi bầu cử đạt gần 100% như vừa qua là minh chứng cụ thể cho tình đoàn kết, ý thức chính trị và thành quả công tác của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Eakao.
Đánh giá cao mức thu nhập bình quân của người dân trong xã đã có cải thiện, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới ở Eakao vẫn cao. Thủ tướng gợi ý lãnh đạo chính quyền và nhân dân xã cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó cần thay đổi hình thức canh tác, đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn hơn, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, tìm thị trường đầu ra, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các đề xuất của bà con trong buôn, xã, Thủ tướng đề nghị chính quyền tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột ưu tiên xem xét, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của bà con; triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình nông thôn mới, tiếp tục hỗ trợ để người dân Eakao yên tâm lao động, sản xuất, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền xã phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới ấm no hạnh phúc hơn.
Cũng trong chiều 19/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bé; Mẹ Việt Nam Anh hùng Lâm Thị Xin ở xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột. Thủ tướng cũng đến khảo sát mô hình trang trại rất thành công của nông dân Võ Tiến Dũng, tại xã Eatu, Buôn Ma Thuột, chuyên canh sầu riêng và xen canh một số cây ăn quả, cho lợi nhuận 1 tỷ đồng/ha/năm.