Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp phải đạt kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 vượt mức 11 tỷ USD. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Trước đó, tháng 8/2018, tại Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 9 tỷ USD vào năm 2018 và phát triển bền vững vào những năm tiếp theo. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017.
Đánh giá tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, so với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 900%, mức tăng mà không phải ngành nào cũng đạt được. Việc chuyển giao công nghệ từ các viện, trường, các nhà nghiên cứu đến với sản xuất, thị trường xuất khẩu trong lĩnh vực này bước đầu đã có kết quả tốt. Đặc biệt, các sản phẩm xuất khẩu, gỗ tiêu dùng ở Việt Nam phần lớn là rừng trồng, từ đó, hạn chế cần thiết gỗ nhập khẩu trong bối cảnh cả nước đã nghiêm cấm khai thác gỗ trồng tự nhiên.
Nhấn mạnh đến đặc điểm địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng của đất nước, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới, “tam sơn tứ hải”, hiện sản phẩm gỗ Việt Nam mới chỉ chiếm 6% thị phần thế giới, vì vậy cần có chiến lược phát triển thị phần để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ vào năm 2030.
Từ định hướng này, Thủ tướng yêu cầu ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản phát huy hơn nữa thế mạnh rừng và đất rừng thông qua trồng rừng, chế biến lâm sản. Người đứng đầu Chính phủ đã quyết định giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính để tìm ra phương thức hỗ trợ trồng rừng cho các tỉnh có đất trồng rừng, có khả năng là 100.000 tấn gạo để người dân yên tâm, có điều kiện trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Nhắc lại mục tiêu lớn tại hội nghị tháng 8/2018 tại ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng nhấn mạnh đến "đề bài" đã đặt hàng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 10 năm tới, Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
Phân tích sâu hơn về thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản, Thủ tướng cho biết, nhu cầu đồ gỗ của thế giới là 430 tỷ USD, riêng giá trị thương mại nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỷ USD. Từ đó, Thủ tướng đưa ra bài toán: Theo tốc độ phát triển hiện nay thì sau 10 năm nữa, chúng ta có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu?, có đủ để trở thành một trong những nước đứng hàng đầu và là trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trên thị trường thế giới được không? Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cũng nêu ra những vấn đề liên quan đến quỹ đất trồng rừng, giống cây trồng đem lại hiệu quả tốt nhất; yêu cầu nắm bắt sự thay đổi trong xu hướng thiết kế, nghiên cứu nội thất thế giới để đem lại giá trị gia tăng cao. Đề nghị các địa phương cần có lời giải cho những bài toán này, Thủ tướng nêu rõ: Trồng rừng, chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng là điều mà tỉnh nào cũng có thể làm được. Vấn đề là việc nghiên cứu, phân công sản xuất cho hợp lý của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Gợi ý những giải pháp thúc đẩy hiệu quả kinh tế của khối sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ và lâm sản, Thủ tướng cho rằng cần nhận diện đầy đủ về tiềm năng, lợi thế của ngành để phát huy, tận dụng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững, hiệu quả. Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số giải pháp về cơ chế chính sách nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục củng cố để có nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng cho sản xuất đồ nội thất xuất khẩu, giúp doanh nghiệp liên tục xuất siêu ở mức cao.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kỹ thuật, công nghệ trong việc nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản nâng cấp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đổi mới thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu mã, mỹ thuật, tận dụng được tối đa nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế bất cập của ngành chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản để thảo luận và có giải pháp khắc phục. Đặc biệt là những tồn tại ở các khâu như: Nhà nước đã có cơ chế đầu tư xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của ngành chưa? Chính sách tín dụng nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến? Làm sao tạo điều kiện cho người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu? Làm thế nào để có nguồn nguyên liệu chất lượng và hợp pháp? Đặc biệt là tỉ lệ gỗ khai thác rừng trồng để sản xuất sản phẩm thô giá trị thấp hiện nay còn quá cao.
Cho rằng hoạt động xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức, Thủ tướng cũng trăn trở trước tình trạng nhiều mặt hàng trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được, bảo đảm chất lượng mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay cả ở thị trường trong nước.
Lưu ý về những bất cập như một số lâm sản giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế, hồi, sa nhân, thảo quả và nhiều sản phẩm dưới rừng chưa phát huy được giá trị, Thủ tướng mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng giá trị cao, cùng với đó là chú trọng hơn nữa việc xây dựng, phát triển các thương hiệu uy tín với nước ngoài; song song với nâng cao hơn nữa chất lượng ở khâu chế biến.
Nhận xét mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019 là 11 tỷ USD mà ngành đặt ra là thấp, Thủ tướng đề nghị "phải có giải pháp để vượt mức con số này, đóng góp vào sản phẩm xuất khẩu lâm nghiệp của Việt Nam”.
Đưa ra giải pháp căn cơ để đạt được chỉ tiêu này, Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào số lượng các doanh nghiệp như hiện nay thì rất khó sau 10 năm nữa có thể chiếm được thị phần chi phối trên thế giới. Do đó, việc khuyến khích, kêu gọi, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tầm trung và cả các doanh nghiệp nhỏ trên thế giới là hết sức cần thiết.
"Chúng ta cần biến Việt Nam trở thành một công xưởng của thật nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ. Làm như vậy mới có thể thực hiện được khát vọng đưa ngành chế biến lâm sản Việt Nam tiến bước xa hơn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.