Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương và địa phương dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt để đảm bảo các quyền cho người dân, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, chống bạo hành gia đình, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo vệ quyền lợi, sự phát triển của nữ giới ngày càng được hoàn thiện. Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; gần 100% trẻ em dưới một tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng, gần 100% trẻ em năm tuổi được đi học mẫu giáo; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Thủ tướng ghi nhận, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bình đẳng giới, tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các phong trào thi đua, cuộc vận động đã giúp nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ như phát triển kinh tế, giáo dục gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại, mua bán phụ nữ và trẻ em...
Nhấn mạnh phát triển bền vững phải dựa trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó phải đảm bảo để không có ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng cho rằng trong quá trình phát triển đất nước, bên cạnh việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế thì còn ý thức rất rõ về yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, an sinh, an toàn, trong đó đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và trẻ em, nhất là ở các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng đề nghị từng cấp thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn những việc làm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng; huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Các cấp thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ cần tuyên truyền, giáo dục, động viên, hỗ trợ để phụ nữ, trẻ em và từng gia đình hiểu được quyền, trách nhiệm của mình và có kỹ năng để tạo lập môi trường sống, học tập, làm việc an toàn, lành mạnh; phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện trong việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
"Tôi rất đau lòng trước các vụ việc tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em, bạo lực, xâm hại phụ nữ - trẻ em xảy ra trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi. Đau lòng hơn khi tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp, buôn bán trẻ em ngay từ trong bào thai", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nghị các cấp, các ngành chung tay cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động, tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện có hiệu quả “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị rà soát kế hoạch hoạt động, bổ sung các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em theo chức năng, thẩm quyền; đề xuất hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách về an toàn, an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự của phụ nữ và trẻ em...
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, hiện nay sự an toàn cho mọi người, trong đó có phụ nữ, trẻ em là vấn đề đáng quan ngại khi môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo thống kê, trong giai đoạn 2012-2015, trung bình cứ mỗi ngày toàn quốc có 61 vụ phụ nữ, bảy trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, ba trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện.
Theo bà Hà, các vụ việc về xâm hại, bạo lực, mua bán người, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… không chỉ là vấn đề sức khỏe, mà đằng sau đó là hậu quả nặng nề không thể đo đếm được để lại cho phụ nữ, trẻ em và gia đình vì ảnh hưởng trực tiếp tới nòi giống cũng như tới sự phát triển kinh tế, đảm bảo trật tự an ninh xã hội. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam luôn trăn trở và kêu gọi toàn dân quyết tâm nhiều hơn nữa vì sự bình an của mỗi người dân, của phụ nữ và trẻ em bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
"Chúng tôi cho rằng sự an toàn là nhu cầu tự thân, và ý thức, trách nhiệm về sự an toàn cho bản thân cũng như cho mọi người phải trở thành thói quen, thành nếp sống, thành văn hóa của từng cá nhân, từng gia đình và toàn xã hội", bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho biết, sự phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn là hình thức vi phạm quyền con người phổ biến nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại hình tội ác ít bị truy tố nhất.
Liên hợp quốc sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó lồng ghép giới trong mọi lĩnh vực hoạt động là mục tiêu vô cùng quan trọng. "Chúng tôi đã xác định một trong những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững là giải quyết mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái", ông Kamal Malhotra khẳng định.
Theo điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, một trong năm lĩnh vực mà Liên hợp quốc tại Việt Nam có thể đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới là tăng cường các dịch vụ đa ngành dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực thông qua điều phối các dịch vụ thiết yếu dựa trên những tiêu chuẩn toàn cầu nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Năm 2019 được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn là "Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và sẽ là chủ đề xuyên suốt, được tiếp nối trong nhiều năm, góp phần thực hiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Để thực hiện chủ đề năm 2019, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ triển khai các kế hoạch và hành động cụ thể nhằm đạt được hiệu quả ở cả trung ương và địa phương như: tổ chức các hoạt động/sự kiện/chương trình truyền thông quy mô lớn về chủ đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên đài truyền hình, đài phát thanh trên phạm vi cả nước; sản xuất các ấn phẩm truyền thông; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên gia, đối thoại với một số bộ, ban, ngành về vấn đề an toàn phụ nữ và trẻ em; nghiên cứu, rà soát và đề xuất các quy định, chính sách luật pháp liên quan đến vấn đề an toàn cho các nhóm phụ nữ và trẻ em; chỉ đạo xây dựng các mô hình về an toàn cho phụ nữ và trẻ em; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ phụ nữ, những người trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề trong việc bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em...