Tham dự có Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và Thành phố Hà Nội.
Xây dựng 3 kịch bản
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, do tác động của COVID-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Trong đó, kinh tế chỉ tăng trưởng 3,72%, chỉ hơn một nửa so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái. Trước bối cảnh đó, Hà Nội dự báo và xây dựng 3 kịch bản dựa trên ba tình huống dự báo để ban hành kế hoạch hành động, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất là tăng trưởng 7,5% trong năm nay.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Thành phố Hà Nội vừa chống dịch nhưng vừa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để ngay sau hết dịch sẽ giúp kinh tế bật lên như chiếc lò xo đang bị nén, để kinh tế Thành phố quay trở lại và đi lên theo hình chữ V chứ không phải theo hình chữ U. Thành phố đang quyết liệt thúc đẩy triển khai các công trình đầu tư công chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, qua đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với công trình trọng điểm. Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, Hà Nội đã đối thoại đối với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã gợi ý một số định hướng phát triển của Hà Nội trong từng lĩnh vực cụ thể và cho ý kiến về các kiến nghị của Thành phố. Theo đó, Hà Nội cần tiếp tục coi nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển các dự án nhà ở xã hội đang có nhu cầu lớn; phát triển hệ thống giao thông kết nối đồng bộ hơn. Hà Nội cần chuẩn bị điều kiện tốt để đón các dòng đầu tư mới được dự báo sẽ vào Việt Nam thời gian tới.
Thông tin về dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, để đến tháng 9 vận hành thương mại, cần phải có chuyên gia để đánh giá mới bảo đảm an toàn vận hành được. Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cho phép chuyên gia vào Việt Nam trong tháng 4 này.
Gương mẫu trong chống dịch
Phát biểu tại buổi làm việc, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh đến thế giới, cả nước và Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số yêu cầu đối với Hà Nội từ nay đến cuối năm. Trước hết, thành phố phải thực hiện công tác phòng, chống dịch gương mẫu nhất, đạt kết quả tốt nhất. Thủ tướng biểu dương lãnh đạo Thành phố và chính quyền các cấp đã hết sức nỗ lực, cương quyết trong công tác này, đồng thời yêu cầu tiếp tục làm tốt hơn nữa thời gian tới. Song song với nhiệm vụ chống dịch, năm nay, thành phố cần cố gắng hoàn thành các mục tiêu cơ bản theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.
Theo đó, Hà Nội cố gắng hoàn thành các mục tiêu như tăng trưởng, giải quyết việc làm, thu ngân sách, đóng góp quan trọng đối với cả nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng cho rằng, mức tăng trưởng GDP quý 1 của Hà Nội gần 4% là một cố gắng, nhưng là mức quá thấp so với cùng kỳ, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó, thành phố cần quyết liệt, đồng bộ hơn nữa, tháo gỡ ách tắc để phát triển, bởi Hà Nội phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của Vùng Thủ đô.
Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tạo dấu ấn mạnh mẽ đối với cả nước trong quá trình tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nhận xét về kết quả phát triển của thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, Hà Nội đã triển khai tốt ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là qua việc dạy và học trên truyền hình, họp trực tuyến; xây dựng thành phố thông minh. Công tác cải cách hành chính có những chuyển biến tích cực, các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính ở mức cao; có nhiều sáng kiến một cửa, một cửa liên thông. Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển.
Đề cập đến những tồn tại cần sớm xử lý, khắc phục trong tiến trình phát triển của thành phố, Thủ tướng chỉ rõ, hạ tầng giao thông của thành phố còn hạn chế, ảnh hưởng tốc độ phát triển chung. Tiến độ thi công một số công trình lớn còn chậm, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép vẫn còn xảy ra. Tình hình tội phạm cơ bản chuyển biến tích cực nhưng nguy cơ vẫn còn phức tạp, nhất là tình trạng đua xe.
Từ nhận định đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc định hướng, Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội phục vụ phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh tiêu dùng. Do đó, thành phố cần khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển với những điều kiện khác nhau trong một nền kinh tế đang có nhiều thay đổi để không rơi vào tình thế bị động. Từ đó, đóng góp quan trọng với kinh tế đất nước trong năm 2020 đầy khó khăn, thách thức.
Thủ tướng đề nghị thành phố Hà Nội tập trung giải quyết các tồn tại; đặc biệt là củng cố hệ thống chính trị ở Đồng Tâm; xử lý dứt điểm vụ 8B Lê Trực đảm bảo quy hoạch chi tiết cho khu vực này, đảm bảo an toàn, và đảm bảo quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư. "Cần phải làm ngay phương án cụ thể, không để công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong", Thủ tướng nói.
Đi liền với đó là giải quyết dứt điểm công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông; có cơ chế tạm ứng, thanh toán và hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông Vận tải và đối tác bàn phương án xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020.
Đặt vấn đề Hà Nội cần phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp mạnh, khỏe cả về vật chất và tinh thần, Thủ tướng nêu định hướng phát triển Hà Nội trong thời gian tới phấn đấu trở thành một thành phố giàu đẹp minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; trung tâm hàng đầu về kinh tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học công nghệ, văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; môi trường sống thân thiện, bền vững, an ninh, an toàn. Hà Nội còn phải là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại, tiến bộ. Người Thủ đô văn minh, thanh lịch, năng động, trí tuệ và lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân. Thành phố quyết liệt, chủ động, sáng tạo việc triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Do đó, thành phố cần đẩy mạnh sáng tạo trong huy động nguồn lực phù hợp với việc đón bắt thời cơ, phương châm hành động nhanh, chính xác và kịp thời.
Thủ tướng đề nghị Hà Nội giải quyết tốt vấn đề nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, tránh bị động; làm tốt công tác quản lý đô thị. Thủ tướng lưu ý Hà Nội đảm bảo nước sạch cho người dân và giảm giá nước phù hợp để hỗ trợ cho người dân; chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng cuộc sống người dân.
Thành phố cần có tiến bộ hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là tập trung vào xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng nền hành chính phục vụ; đẩy mạnh thương mại điện tử, nông nghiệp số, kinh tế xã hội Hà Nội công khai, minh bạch. Thành phố giải quyết tốt để không còn khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; lành mạnh hóa môi trường văn hóa xã hội; đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cho nhân dân và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao quốc tế; tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh, gây mất an ninh trật tự.