Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI:

Thảo luận phương án nhân sự cho Đại hội Đảng

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tổ chức tại Hà Nội từ 4 - 7/5/2015 có nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là thảo luận, thống nhất và thông qua phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu cho ý kiến, thảo luận và quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại các hội nghị tiếp theo.

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.Ảnh: Trí Dũng –TTXVN



Xây dựng “Bộ tham mưu chiến đấu kiên cường”

Khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc xác định phương hướng công tác nhân sự phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nước ta đã trải qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Dự báo những năm sắp tới, đối với nước ta sẽ là thời kỳ mà cả thời cơ và thách thức đều rất lớn. Do đó, cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện thành công sự nghiệp to lớn và phức tạp đó, theo Tổng Bí thư, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu kiên cường, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc.

“Đây là công việc có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước”- Tổng Bí thư khẳng định.


Chú trọng bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm đạo đức, lối sống

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; số lượng, cơ cấu, các Ủy viên Trung ương tập trung thảo luận, phân tích, để lựa chọn được các nhân sự phù hợp.

Tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương tiếp tục xem xét, cho ý kiến về việc lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương để định hướng cho việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp thứ 9 khóa XIII sắp tới. Các đại biểu cân nhắc kỹ những ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án, phân tích, đánh giá tính đúng đắn, phù hợp của các đề xuất gắn với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bằng cách quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, việc phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền địa phương các cấp sát hợp với thực tế có những đặc thù về địa lý, dân số, kinh tế - xã hội giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong gợi ý: Phải chăng, về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng thực sự tin yêu? Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần đặc biệt nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm",...

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trên cơ sở nghiên cứu việc phân bổ đại biểu ở một số Đại hội Đảng toàn quốc gần đây, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đối với 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương. Theo đó, nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, bảo đảm thành công của Đại hội. Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ. Theo kinh nghiệm các khóa trước đây, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc của Đảng theo các nguyên tắc và căn cứ nêu trên về cơ bản được các cấp ủy, tổ chức đảng đồng tình.

“Điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn và bầu được các đồng chí thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.



PV (Tổng hợp)
Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI:Xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới
Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI:Xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới

Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI họp tại Hà Nội (từ 5-12/1/2015). Thông báo về Hội nghị đã xác định rõ 12 nhiệm vụ trong 5 năm tới của toàn Đảng, toàn dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN