Tham vấn nhóm dân tộc thiểu số về sửa đổi Hiến pháp

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vừa tổ chức buổi tham vấn các cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, đang công tác, học tập tại Hà Nội, đại diện một số ban, ngành và các tỉnh phía Bắc, để đóng góp ý kiến cho sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


 

Các thành viên đóng góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp.

 

Trong nhóm các quyền trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các quyền có liên quan tới nhóm dân tộc thiểu số được đại biểu thảo luận sôi nổi là: dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa dân tộc (điều 5); bình đẳng (điều 17); tự do đi lại và cư trú (điều 24); hưởng an sinh xã hội (điều 35, điều 63); giáo dục (điều 42, điều 66), văn hóa (điều 44, điều 64), quyền tự quyết và ngôn ngữ (điều 45); đất đai, chế độ sở hữu đất đai, thu hồi đất (điều 57, điều 58)…


Điều trong dự thảo liên quan tới quyền dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa dân tộc nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Trước nhiều ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị thêm từ “thiểu số” vào cụm từ “dân tộc” để rõ hơn nghĩa về từng dân tộc ít người, ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho rằng: “Không cần thiết thêm chữ “thiểu số” vì từ các dân tộc ở đây đã bao hàm đủ ý nghĩa. Ủy ban Dân tộc sẽ có thêm Vụ Dân tộc thiểu số để xác định lại có bao nhiêu thành phần dân tộc, tộc danh và từ ngữ liên quan. Bên cạnh đó tôi băn khoăn quyền dùng chữ viết của dân tộc. Tôi vừa dự buổi báo cáo đề tài khoa học điều tra cơ bản về chữ viết dân tộc Mông. Thực tế, khi nói chuyện người Mông có thể hiểu nhau nhưng không có chữ viết. Do đó có nên nghiên cứu lại chữ viết của dân tộc Mông hay không, hoặc có nên cải tiến chữ Mông theo chữ La tinh là điều đáng quan tâm”.


Trong khoản 4 của điều 5 “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước”, các đại biểu đều đề nghị thay từ “tạo điều kiện” bằng từ “bảo đảm” để các chính sách được thực thi toàn diện.


Liên quan đến quyền hưởng an sinh xã hội (điều 35, điều 63), các đại diện cho rằng “người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn” là giống nhau, và đề nghị thay từ “người có hoàn cảnh khó khăn” thành “người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” để việc giúp đỡ thiết thực hơn ở mức độ hỗ trợ. Trong việc khen thưởng, tôn vinh và thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với nước, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung “người có tài năng đặc biệt”.


Vấn đề giáo dục cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Trong đó, các đại biểu đều nhất trí bổ sung quy định vùng dân tộc thiểu số có quyền được học song ngữ. Đồng thời, các sinh viên là người dân tộc cho rằng tính hợp lý trong cử tuyển. Nguyễn Thị Mai Ngọc (trường ĐHSP Hà Nội) cho biết: Những suất cử tuyển là dành cho đồng bào dân tộc, nhưng thực tế hiện nay đối tượng hưởng không hẳn là đồng bào dân tộc hoặc không phải là đối tượng thuộc vùng được hưởng. Chính sách cử tuyển cần xem xét lại để đảm bảo cụm từ “hợp lý” và “ưu tiên” trong Hiến pháp.


Liên quan đến quyền về đất đai (điều 57, điều 58) cũng được các đại biểu dân tộc quan tâm. Vấn đề “quy hoạch” là điều cần thiết, nhưng các đại biểu đều cho rằng cần có sự tham gia ý kiến đóng góp của người dân và cộng đồng trong quy hoạch. Việc sở hữu đất đai là sở hữu của Nhà nước, nhưng với các vùng đồng bào dân tộc, sở hữu cộng đồng là rất quan trọng. Tiến sỹ Hoàng Cầm (Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho rằng: “Với nhiều vùng dân tộc có sở hữu cộng đồng về những khu rừng tập thể, sinh hoạt cộng đồng, do đó vai trò tham khảo ý kiến cộng đồng là rất quan trọng khi thực hiện quy hoạch và triển khai dự án”.


Ông Lã Khánh Tùng, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Về cơ bản, chính sách của Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc rất tốt nhưng quan trọng nhất là thực thi tới đâu và cần có cơ chế bảo vệ quyền của đồng bào dân tộc thiểu số.


Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện iSEE cho biết, các ý kiến đóng góp của đại diện của nhóm dân tộc thiểu số về một số điều, khoản trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được tập hợp lại và gửi tới các cá nhân thuộc nhóm dân tộc tham gia thảo luận để hoàn chỉnh trước khi gửi cho ban soạn thảo Hiến pháp sửa đổi. Đồng thời, iSEE sẽ tiến hành lấy ý kiến tại từng vùng, cộng đồng dân tộc thiểu số trong thời gian tới để có những đóng góp chi tiết hơn, phù hợp với điều kiện từng vùng cụ thể.


Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN