Sáng 10/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Phankham Viphavanh đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào. Cùng tham dự có lãnh đạo của 30 bộ, ngành và địa phương của hai nước Việt Nam và Lào.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phankham Viphavanh và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào sang thăm Việt Nam và tham dự Kỳ họp; nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực trong năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội mỗi nước, việc hai bên vẫn duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc, điện đàm cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, hỗ trợ nhau hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, cũng như giữ vững đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực là minh chứng cho nỗ lực và quyết tâm cao độ của cả hai nước dành cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam và Lào.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Chính phủ Lào về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội nổi bật trong thời gian qua, đặc biệt là việc kiểm soát dịch COVID-19, duy trì đà tăng trưởng khá, tổ chức thành công các hội nghị hợp tác tiểu vùng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Lào ở khu vực; đồng thời cảm ơn Lào đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ Việt Nam; đánh giá cao thành công của Việt Nam trong thực hiện "nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào, Thủ tướng Phankham Viphavanh cảm ơn Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ Lào phòng, chống dịch COVID-19.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 lan rộng, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước kết quả hợp tác thành công, nhiều lĩnh vực. Trong đó, quan hệ chính trị-đối ngoại giữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước; hỗ trợ, giúp đỡ nhau một cách hiệu quả trên các diễn đàn hợp tác đa phương quốc tế và khu vực; tương trợ nhau trên tinh thần anh em trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại mỗi nước.
Ủy ban Liên Chính phủ, do hai Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu chủ trì, tiếp tục phát huy hiệu quả, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác trên mọi lĩnh vực; trong năm, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai bên đã ký kết 25 Thỏa thuận hợp tác quan trọng nhân các chuyến thăm và dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo hai Đảng hai nước.
Hợp tác quốc phòng, an ninh chặt chẽ, thực hiện tốt việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện; phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia.
Với 209 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,18 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Năm 2021, có 5 dự án cấp mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký là 112,84 triệu USD, tăng 27% so với năm 2020 (88,74 triệu USD). Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,5 tỷ USD, bằng 48,4% tổng vốn đăng ký.
Nhiều dự án tiếp tục hoạt động đạt hiệu quả tốt thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các cơ quan nhà nước Lào, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động Lào, đóng góp quan trọng vào quá trình điều tiết nền kinh tế của Lào; rất đáng ghi nhận là con số nộp ngân sách Lào hơn 1 tỷ USD 5 năm qua cũng như tài trợ cho công tác an sinh xã hội tại Lào của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 80 triệu USD.
Kim ngạch thương mại hai nước vẫn có bước tăng trưởng vượt bậc. Ước cả năm 2021 sẽ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với năm 2020. Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào ký năm 2015 có hiệu lực đến tháng 10 năm 2020 cũng đã được gia hạn đến tháng 10 năm 2023.
Hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh; hiện nay đã được thực hiện tại 02 dự án với tổng công suất 572 MW và đã ký kết 20 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ Lào với tổng công suất gần 1.500 MW; đang tiếp tục hỗ trợ các dự án khác đã được phát triển và có khả năng truyền tải điện từ Lào về Việt Nam theo tiến độ.
Hai bên nhất trí cao về phương hướng hợp tác năm 2022. Hai bên đã đề ra nhiều biện pháp mạnh mẽ, thiết thực để tiếp tục đưa quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước đi vào chiều sâu; tăng cường trụ cột hợp tác quốc phòng-an ninh; tiếp tục dành ưu tiên đặc biệt cho hợp tác giáo dục-đào tạo; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tăng cường tính kết nối, bổ trợ của hai nền kinh tế, nhất là kết nối về giao thông vận tải, hạ tầng, viễn thông; khuyến khích các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể nhân dân mở rộng hợp tác giúp đỡ lẫn nhau một cách thiết thực, hiệu quả; đồng thời tích cực phối hợp tìm kiếm, tranh thủ nguồn lực từ các đối tác quốc tế phù hợp cho các dự án, chương trình hợp tác giữa hai nước.
Trên tinh thần quan hệ đặc biệt, tin cậy lẫn nhau, hai bên tiếp tục khẳng định đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, tổ chức tốt và hiệu quả các tuyên bố chung, hiệp định, thỏa thuận, văn kiện hợp tác hai bên cũng như các chuyến thăm và các cuộc gặp gỡ tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, các cấp, các bộ, cơ quan và địa phương với nhiều hình thức thích hợp. Tăng cường tham vấn, ủng hộ lẫn nhau, nâng cao vị thế, độc lập tự chủ quốc gia, nhất là các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông; khẳng định sự nhất trí cao với lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông nêu trong Tuyên bố chung ASEAN.
Kết luận tại Kỳ họp, hai Thủ tướng nhấn mạnh sẽ quyết liệt tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ triển khai có hiệu quả các thỏa thuận cam kết, trong đó sẽ tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh. Hai bên tin tưởng rằng thành công của Kỳ họp sẽ tạo động lực mới giúp quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, tin cậy, hiệu quả, góp phần không ngừng củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thập kỷ tới.
Cũng tại kỳ họp, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết, trao 9 văn kiện hợp tác giữa Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp hai nước. Trong đó ngoài các văn kiện về chương trình khung hợp tác, có một số dự án cụ thể như : Dự án xây dựng Đài phát thanh, phát hình tỉnh Hủa Phăn; Dự án xây dựng Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng Thanh Thiếu niên Lào - Việt Nam; Dự án Phân vùng sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Xay-xổm-bun; Dự án Xây dựng Trường phổ thông dân tộc tại tỉnh Khăm-Muộn; Dự án xây dựng học viện Chính trị - Hành Chính quốc gia khu vực Nam Lào; Dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học và tập huấn tại Đại học Quốc gia Lào...