Tăng chất lượng đào tạo để sinh viên có việc làm

72.000 sinh viên ra trường không có việc làm, trong khi trường đại học được mở tràn lan. Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc để tốt nghiệp PTTH, trong khi đất nước đang hội nhập mạnh mẽ là những vấn đề được các đại biểu quốc hội (QH) quan tâm nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận ngày 11/6.

 

Đào tạo không theo kịp nhu cầu


Theo các đại biểu QH, giáo dục đại học đang là một vấn đề nhức nhối trong xã hội, có quá nhiều trường đại học nhưng một nửa số sinh viên được đào tạo ra lại không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, mỗi năm có khoảng 400.000 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, 5 năm có 2 triệu người. Con số thống kê 72.000 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm nếu là đúng, chiếm tỉ lệ 3,6%. Đây là thông số cho biết về thị trường lao động. "Chúng ta chỉ có thể khớp được giữa đào tạo với việc làm trong thời kỳ bao cấp, còn trong thời kỳ kinh tế thị trường, với nhiều thành phần kinh tế, việc không "khớp" giữa cung và cầu là một thực tế khách quan. Vì vậy, các bộ, ngành, cơ sở đào tạo phía "cung" - trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo - có trách nhiệm phối hợp xử lý, cảnh báo xã hội về những ngành nghề thiếu, thừa. Đồng thời, những nhà sử dụng lao động, các thiết chế khác tham gia vào thị trường lao động như các trung tâm xúc tiến việc làm, sàn giao dịch việc làm, thị trường lao động cần phải được hoàn chỉnh. Trong Đề án chiến lược phát triển việc làm của Chính phủ đã bàn đến việc này", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.


Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết: “Chỉ 5% sinh viên ra trường được đánh giá có chất lượng tốt, 50% không đạt yêu cầu. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên?”.


Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận thấy: “Trong thời gian dài, giáo dục đại học chỉ chú trọng về quy mô mà chưa chú ý tới chất lượng. Nội dung chương trình học xuất phát từ khả năng hiện có của các trường mà không chú ý tới nhu cầu xã hội. Quy trình mở trường chưa chú ý tới nhu cầu địa phương. Giáo trình nặng về truyền thụ một chiều, nhẹ về thực hành... Những yếu kém đó dẫn tới việc, số lượng sinh viên hàng năm tăng lên nhưng chất lượng lại chưa được nâng lên”.


Đối với công tác dạy học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Sẽ chuyển đổi căn bản từ truyền thụ một chiều sang giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất, đánh giá, kiểm tra khả năng thực hành và được đánh giá công khai của toàn xã hội. Cùng với nhà tuyển dụng đổi mới công tác đào tạo, công bố công khai chất lượng, từ đó các nhà tuyển dụng xem xét đầu ra để tuyển dụng”.


“Đồng thời điều chỉnh mạng lưới giáo dục đại học, phấn đấu giảm tỉ lệ từ 450 sinh viên/10.000 dân xuống còn trên 200 sinh viên/10.000 dân. Dừng nâng cấp các cơ sở giáo dục mới. Vừa qua, nhiều tỉnh tha thiết xin thành lập trường đại học nhưng không được”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.


Dạy tiếng Anh không giống ai


Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) nhận xét, trình độ ngoại ngữ là một trong những rào cản lớn cho chúng ta hội nhập, nay lại bỏ thi tốt nghiệp bắt buộc ngoại ngữ. Vậy có hợp lý không?


Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Trong đề án thay đổi toàn diện dạy tiếng Anh và ngoại ngữ cho thấy, cách dạy, học và thi của chúng ta không giống ai. Dạy và học chủ yếu là ngữ pháp, khi học xong người ta nói mình không hiểu. Đội ngũ giáo viên cũng chưa đạt chuẩn, nhiều học sinh học thêm về nói chuẩn thì cô lại chê không chuẩn. Trong khi chưa thay đổi được cách dạy và học thì chúng ta không khuyến khích thi ngoại ngữ”.
Do vậy, “trước mắt, chúng ta phải thay đổi lại cách dạy, cách học cho đúng hướng rồi mới tăng tốc. Chúng tôi cũng đang điều chỉnh, tập trung đào tạo lại đội ngũ giáo viên, có sách giáo khoa mới, cách dạy mới đầy đủ thì mới thi bắt buộc với môn tiếng Anh”.


Không chỉ riêng môn ngoại ngữ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Bộ sẽ thiết kế lại các chương trình học của các cấp rồi tính tới chuyện thi cử đồng bộ. Học sinh và thầy giáo sẽ thay đổi cách dạy, học.


“Kết quả thi tốt nghiệp vừa qua cho thấy việc dạy và học theo lối truyền thụ sang chú trọng đào tạo kỹ năng đã mang tới sự hứng thú cho học sinh hơn”, ông Luận khẳng định.

 

Con số 34.000 tỷ đồng để đổi mới sách giáo khoa là chưa đúng, đây chỉ là vấn đề lỗi kỹ thuật trong một chương trình họp được nói ra. Không phải con số chính thức của Bộ. Vấn đề này chưa có tính toán cụ thể nên không chính xác.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận


Hữu Vinh

Ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông cho toàn ngành giáo dục
Ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông cho toàn ngành giáo dục

Ngày 28/5, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông cho toàn ngành giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN