Giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Tại hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vừa diễn ra tại Hà Nội, các nhà quản lý, nhà khoa học và các thầy cô giáo đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức của học sinh, sinh viên và cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay là phải xây dựng môi trường sống tốt đẹp cho học sinh, sinh viên có điều kiện phấn đấu, rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho đất nước.

Nguyên nhân đến từ nhiều phía

Trong số hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước, số học sinh, sinh viên có đạo đức, lối sống không tốt tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đã gây bao băn khoăn, lo lắng cho xã hội bởi những hậu quả do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống.

Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: Gia đình là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi cá nhân. Nếu trẻ em hư hỏng, lỗi trước hết thuộc về các bậc làm cha, làm mẹ. Mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới sự hình thành nhân cách của trẻ.

Cha mẹ sống hòa thuận, dành nhiều thời gian chăm sóc, yêu thương và quan tâm đến việc nuôi dạy con cái thì trẻ sẽ có phẩm chất đạo đức tốt. Ngược lại, nếu trẻ sống trong gia đình mà cha mẹ hay tranh cãi, bạo lực, rượu chè, cờ bạc…ít nhiều cũng hình thành đạo đức, lối sống thiếu lành mạnh. Bên cạnh đó, cuộc sống hôn nhân của cha mẹ không hạnh phúc, đổ vỡ cũng tạo ra một áp lực lớn về tinh thần, làm cho con cái chán nản, bi quan, dễ rơi vào tệ nạn xã hội.

Bên cạnh nguyên nhân trên, ông Nguyễn Đắc Hưng cũng chia sẻ: Việc giáo dục, đạo đức lối sống ở nhà trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh, sinh viên. Trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, nhà trường chú trọng truyền đạt kiến thức hơn là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; hay nói cách khác, giáo dục “nặng” về dạy “chữ”, “nhẹ” về dạy “người”.

Chương trình sách giáo khoa nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách cho học sinh, sinh viên. Một số trường coi trọng việc xử lý kỷ luật mà coi nhẹ giải pháp quan tâm, giáo dục, động viên, giải tỏa tâm lý căng thẳng cho học sinh, sinh viên. Không chỉ vậy, quan hệ thầy trò ở một số nơi còn hời hợt. Nhiều giáo viên cho rằng, giáo dục đạo đức học sinh là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, giáo viên các môn chính trị mà quên rằng, đó cũng là trách nhiệm chung của tất cả các giáo viên đứng lớp.

Đánh giá về công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, ông Chu Văn Yêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước nhấn mạnh: Hiện nay, với điều kiện kinh tế được nâng cao và mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con nên phần lớn các gia đình có điều kiện quan tâm chăm sóc cho con cái hơn trước. Các trường cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục các em. Đầu tư của nhà nước và các địa phương cho sự nghiệp “trồng người” cũng nhiều hơn trước.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng “khoán trắng” cho nhà trường trong việc giáo dục con em mình, dư luận thường coi mọi lỗi lẫm do học sinh gây ra thuộc trách nhiệm của nhà trường. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương chưa phát huy đúng mức. Không chỉ vậy, vẫn còn độ vênh tương đối cao giữa kiến thức của môn giáo dục công dân trong nhà trường với thực tế ngoài xã hội.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ phía gia đình, nhà trường, các đại biểu cho rằng, còn có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường làm cho nhiều thang giá trị đảo lộn, lấy giá trị vật chất làm thước đo; xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập cùng với mặt trái của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin cũng kéo theo sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là văn hóa đồi trụy, bạo lực, của chủ nghĩa thực dụng, hiện sinh.

Khảo sát do Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố cho thấy, có sự “suy giảm” về đạo đức trong học sinh phổ thông theo cấp học. Nếu ở cấp Trung học cơ sở, tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm Tốt chiếm 70,77%; Khá chiếm 23,4%; Trung bình chiếm 5% và Yếu chiếm 0,69% thì lên cấp Trung học phổ thông, học sinh xếp loại hạnh kiểm Tốt là 65,67%; Khá là 24,9%; Trung bình là 5,58% và Yếu là 3,84%.

Xây dựng tam giác “nhà trường - gia đình - xã hội”

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý khẳng định: Xây dựng tam giác “nhà trường, gia đình và xã hội” với mối liên hệ chặt chẽ là nguyên lý giáo dục hiệu quả nhất, không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách cho học sinh, sinh viên. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và xã hội thì kết quả cũng không toàn diện, bền vững. Trong đó, giáo dục của gia đình có vai trò rất quan trọng, là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc, dân tộc…, là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho trẻ em, còn môi trường xã hội là “bầu không khí” cho sự hình thành và phát triển nhân cách.

Mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức như: tin nhắn, điện thoại, email, sổ liên lạc…; họp phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh với Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức đoàn thể ở địa phương; ký quy chế phối hợp, lập cam kết ba bên (gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương) về quản lý, giáo dục học sinh trong thời gian nghỉ hè; nhà trường thông báo về gia đình và địa phương đối với những học sinh vi phạm đạo đức…

Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng đưa ra giải pháp về thành lập Tổ tư vấn trong nhà trường. Chức năng của Tổ tư vấn này chủ yếu là tư vấn tâm lý, kỹ năng sống để hỗ trợ học sinh, sinh viên; phát hiện những trường hợp có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống hoặc tinh thần bi quan, chán nản. Từ đó, các giáo viên tư vấn học đường kịp thời hỗ trợ, giải tỏa tâm lý cho các em; giúp các em vượt qua giai đoạn khủng hoảng tinh thần và định hướng lối sống lành mạnh, lạc quan cho học sinh, sinh viên.

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh: Các nhà trường cần đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh cả trong chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa; đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý học sinh, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ thời gian học sinh học tập tại trường; ngăn chặn tình trạng học sinh đến trường nhưng bỏ học, bỏ tiết ra ngoài chơi…

Đối với chính quyền địa phương, nên thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên trên địa bàn, đặc biệt là các trường hợp đã bỏ học, chưa có việc làm ổn định hoặc có hành vi côn đồ, hung hãn, lôi kéo học sinh tham gia vào các tệ nạn xã hội, đánh nhau, vi phạm pháp luật. Đối với gia đình, cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con cái; không phó mặc con em mình cho nhà trường. Cha mẹ phải là tấm gương, là điểm tựa vững chắc cho con cái noi theo.

Theo ông Chu Văn Yêm, một trong những giải pháp khác cần được lưu tâm là thống nhất nhận thức coi môn đạo đức, giáo dục công dân là môn học đặc thù, quan trọng bởi tính chất đặc biệt của môn học trong việc góp phần giáo dục, đào tạo con người. Từ đó, nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức giảng dạy môn học này cho phù hợp với thực tiễn và tâm lý từng lứa tuổi, từng cấp học. Ban giám hiệu các trường cũng cần quan tâm xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, văn minh; xây dựng đội ngũ giáo viên mẫu mực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đoàn, đội hoạt động có hiệu quả.


Việt Hà
 Bế mạc Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần 8
Bế mạc Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần 8

Tại Trường Đại học Cần Thơ, Hội Hóa học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức bế mạc và trao giải cuộc thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần 8 năm 2014 sau 4 ngày tranh tài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN