Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong tiến trình hội nhập, Đảng và Chính phủ luôn có những chỉ đạo kịp thời để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân nắm rõ đường lối và các giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực thi hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều Nghị quyết của Đảng đã được ban hành làm kim chỉ nam cho tiến trình hội nhập như: (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5/2/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết số 06 NQ/TW ngày 5/11/2016 (của Ban chấp hành Đảng Trung ương khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với quyết tâm của Đảng và Chính phủ cùng sự đồng thuận của tầng lớp nhân dân, thời gian qua hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, làm tăng sức tổng hợp quốc gia; tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, trong quá trình triển khai hội nhập, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thể hiện một số bất cập đã phần nào giảm hiệu quả của những chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, tiến trình hội nhập kinh tế giai đoạn 2007-2017 có ảnh hưởng không nhỏ đối với thể chế kinh tế nói chung và phương thức điều hành kinh tế-xã hội nói riêng. Điều này thể hiện trong những năm đầu khi gia nhập WTO, những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế như mất cân đối đầu tư-tiết kiệm, thâm hụt thương mại, khả năng cạnh tranh chậm cải thiện...bộc lộ rõ nét hơn dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng, Chính phủ kiên định hơn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, dù mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 6,04%/năm trong giai đoạn 2007-2017 (thấp hơn so với 7,51%/năm trong năm 2000-2006) song chất lượng và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế ngày một vững chắc hơn. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy vai trò của khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.
Cùng đó, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, vị thế của đất nước tiếp tục được cải thiện đáng kể. Việt Nam đã có 3 đối tác chiến lược toàn diện, 15 đối tác chiến lược và 12 đối tác toàn diện, hầu hết được thiết lập trong giai đoạn 2007-2017.
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Để tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế phát huy hiệu quả hơn nữa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cùng đó, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, các đia phương cần chú trọng việc lồng ghép việc thực thi các chương trình hành động vào các kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương trong quá trình triển khai hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy vai trò và năng lực điều phối của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế về kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần chủ động, thường xuyên tìm hiểu thông tin về thị trường và đối tác cùng các FTA mới thông qua cơ quan chức năng đầu mối. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức đối thoại với các cơ quan Chính phủ để nêu lên thuận lợi khó khăn trong quá trình thực thi hội nhập kinh tế quốc tế để Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời có những điều chỉnh chính sách và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sau phiên khai mạc, diễn đàn lần lượt thảo luận theo 3 phiên tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung tao đổi, thảo luận các vấn đề nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đề xuất giải pháp để Việt Nam thành công trong giai đoạn tới.