Đa phần, đây là lần đầu tiên của sinh viên được đi bầu cử và thực hiện quyền công dân của mình. Khâu chuẩn bị cho ngày bầu cử ở nhiều trường đại học, ký túc xá đã được các trường đại học hoàn tất.
Trang bị kiến thức bầu cử cho sinh viên
Ngay từ cổng chính của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, những băng rôn, bảng thông tin tuyên truyền về ngày bầu cử đã được trang hoàng bắt mắt.
PGS TS Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, đây là điểm bỏ phiếu số 5 với hai bàn: một là dành cho dân cư quanh trường, một dành cho sinh viên nội trú (ở ký túc xá). Số lượng sinh viên đi bầu cử dịp này là 816 sinh viên. Mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất và sinh viên được trang bị kiến thức về ngày bầu cử từ vài tháng qua.
Dưới sự hướng dẫn của lãnh đạo, cán bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhiều sinh viên của Học viện đã hiểu rõ tiểu sử của các ứng viên. Ảnh: Lê Vân. |
PGS TS Phạm Huy Kỳ cho biết, 100% sinh viên của trường đều là lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu, thực hiện quyền công dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền để các em thực hiện được trường làm từ tháng 3/2016 và nằm trong kế hoạch của UBND phường. Trường tuyên truyền cho sinh viên qua 3 kênh. Đó là, loa truyền thanh của ký túc xá. Tiếp đó là những khẩu hiệu, băng rôn theo chỉ đạo của Học viện và UBND phường. Tuyên truyền thông qua những bài giảng của thầy cô. Là một trường tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, các thầy cô luôn cập nhật những thông tin về sự kiện trong các bài giảng, bài kiểm tra. Thông qua đó tạo nên nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho sinh viên”.
Qua các kênh tuyên truyền ấy, nhiều sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những câu hỏi thể hiện sự hiểu biết và trách nhiệm công dân vơi ứng viên trong buổi gặp gỡ cử tri thời gian qua. GS TS Phạm Huy Kỳ đánh giá: “Ba tháng trước đây khi chưa có những tuyên truyền sâu rộng về ngày bầu cử, nhiều sinh viên còn khá ngây thơ trước những thông tin khá mới mẻ về bầu cử. Đến khi ứng viên đi tiếp xúc cử tri, nhiều em thể hiện rõ sự háo hức, hiểu biết khi chất vấn các ứng viên. Các em đã tự tin đưa ra những câu hỏi, kỳ vọng xung quanh quyền lợi thiết thực của sinh viên. Đó là về an toàn an ninh quanh khu vực ký túc xá nơi UBND phương quản lý. Các hoạt động văn hóa nghệ văn nghệ gắn với hoạt động của trường … Nhiều ứng viên tỏ ra hào hứng trước những chất vấn của cử tri là sinh viên và có đánh giá tốt với những hiểu biết thiết thực và năng động của sinh viên”.
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội xem danh sách cử tri sinh viên. Ảnh: Lê Vân. |
Không chỉ sinh viên ở trường Đảng, sinh viên của nhiều trường đại học khác cũng thể hiện trách nhiệm trong những câu hỏi khi cử tri tiếp xúc. Ông Phạm Đình Việt, Trưởng ban quản lý ký túc xá Mễ Trì (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Khu vực an ninh ở xung quanh ký túc xá Mễ Trì được nhiều sinh viên đặt ra với những ứng viên. Bởi ngay ở cổng ký túc, hàng quán mọc lên rất nhiều. Sinh viên đi bộ tới trường không có lối đi, phải đi xuống lòng đường. Nhiều trường hợp rất nguy hiểm tới tính mạng. Bên cạnh đó, tổ hợp ký túc xá Mễ Trì cũng có những đơn vị khác hoạt động, do đó vấn đề an ninh được nhiều sinh viên mong muốn ứng viên quan tâm. Hay việc tạo sân chơi chung cho trẻ em cũng được các sinh viên đề xuất... Đây là những vấn đề mà những sinh viên đề đạt với những người nếu được bầu cần phải quan tâm. Điều này thấy rõ, các em đã hiểu rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của chính mình trong vai trò là cử tri”.
Ông Phạm Đình Việt cho biết, để sinh viên có những hiểu biết về ngày bầu cử thì việc tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trong năm học 2015 – 2016 mà ĐH Quốc gia Hà Nội đã đặt ra.
Biết lựa chọn thông tin
Nhiều sinh viên được hỏi cho biết, ngày bầu cử có ý nghĩa quan trọng trong đời sinh viên. Em Nguyễn Thành Nam, sinh viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Đây là lần đầu tiên em đi bầu cử và nhiều bạn trong lớp, học viện cũng như vậy. Đa số đều rất háo hức. Đây không chỉ thể hiện là quyền công dân mà còn đánh dấu sự trưởng thành của mỗi cá nhân”.
Còn sinh viên Phạm Hữu Đức (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Những thông tin từ Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, thời gian và địa điểm bầu cử… đều được nhà trường tuyên truyền qua phát thanh và cán bộ nhà trường. Bên cạnh đó, chúng em còn biết tới qua báo, đài và các trang mạng xã hội. Nếu có thông tin nào chưa nắm chắc sẽ phải hỏi lại các thầy cô”.
Nhiều sinh viên thể hiện rõ sự hiểu biết về trách nhiệm và quyền bầu cử trong các buổi mạn đàm hay gặp gỡ với các ứng viên. Ảnh: Lê Vân. |
Sinh viên Trần Thị Thu Nguyệt, ngành Công tác Xã hội, Khoa Xã hội học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn ( ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Em được biết những thông tin về ngày bầu cử thông qua chính những bài học trên giảng đường như môn Lịch sử Đảng. Bản thân em ý thức được trách nhiệm của cử tri là bầu ra người đủ đức, tài. Do đó, em đã đọc và tìm hiểu thông tin về những người ứng cử, từ đó có những chuẩn bị cho lá phiếu ngày bầu cử tới với nguyện vọng những người được bầu sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho chính những sinh viên trên địa bàn nơi chúng em đang sinh sống và học tập nói riêng và nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn nói chung”.
Ông Phạm Đình Việt, Trưởng ban Quản lý ký túc xá Mễ Trì (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, thông tin khá nhiều và để sinh viên hiểu đúng, hiểu đủ về quyền, nghĩa vụ cũng như nhìn nhận các thông tin khác nhau cần định hướng của cán bộ quản lý ký túc. Triển khai tuyên truyền về ngày bầu cử cho sinh viên từ tháng Tư, bên cạnh những thông tin về Luật bầu cử, phương thức bầu cử thì những thông tin sự kiện thời sự cũng được chúng tôi cập nhật cùng sinh viên. Giúp sinh viên có những định hướng đúng đắn theo đường lối của Đảng, Nhà nước”.