Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Thành Long cho biết: Từ đầu năm đến nay, công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có liên quan.
Việc xử lý nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt đã tăng lên nhiều lần so với trước; Năng lực các đoàn thanh, kiểm tra được nâng lên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm đúng pháp luật, công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Theo báo cáo của các đoàn thanh, kiểm tra Trung ương và 63 địa phương, 6 tháng đầu năm, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (19,47%); đã xử lý 15.707 cơ sở (22,98% số cơ sở vi phạm), trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, các đoàn kiểm tra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: đình chỉ lưu hành sản phẩm 167 cơ sở; yêu cầu 330 cơ sở có nhãn phải khắc phục; tiêu hủy sản phẩm 2.822 cơ sở; tiêu hủy 3.121 loại thực phẩm do không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra là: vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, về trang thiết bị dụng cụ; về con người; về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không bảo đảm chất lượng; sản xuất kinh doanh thực phẩm không công bố theo quy định...
Ngoài thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, phát hiện xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Trong quá trình thanh, kiểm tra đã kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của toàn xã hội; đã có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông trong thông tin cảnh báo các sản phẩm, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm...
Công tác giám sát, phân tích nguy cơ tiếp tục được duy trì, triển khai bài bản, kịp thời đưa ra các cảnh báo, xử lý các trường hợp, sự cố mất an toàn thực phẩm, thông tin kịp thời đến người tiêu dùng. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy công tác kiểm nghiệm, giám sát an toàn thực phẩm lưu thông trong nước được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.
Công tác này đã góp phần khống chế tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm salbutamol trong 250 mẫu thịt, 2.99 mẫu nước tiểu); giảm thiểu lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi; giảm ôn nhiễm vi sinh vật trong các sản phẩm chăn nuôi.
Riêng chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nguồn gốc thực vật (gạo, hồ tiêu, rau, củ, quả), Cục Bảo vệ thực vật đang triển khai, chưa có kết quả phân tích...
Công tác phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ (số vụ, số người mắc, đi viện và số người tử vong đều giảm), bảo đảm an toàn thực phẩm tại các sự kiện, hội nghị.
Tính đến 30/6, toàn quốc ghi nhận 53 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.301 người mắc, 1.079 người đi viện và 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 27 vụ, số mắc giảm 446 người (35,3%), số đi viện giảm 579 người (34,9%), số tử vong giảm 6 người (35,3%)...
Tuy nhiên, theo đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo, việc thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu. Ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan.
Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng thuốc phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, giết mổ không bảo đảm an toàn thực phẩm... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã có hiệu quả nhưng còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đối với các thực phẩm sinh lời cao như thực phẩm chức năng rất dễ dẫn đến làm giả và buôn lậu.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... chưa được kiểm soát chặt chẽ, đang có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa. Tử vong do ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên còn chiếm tỷ lệ cao.
Tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hành online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp...
Chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo về thực phẩm chức năng
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thời gian tới cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm; tăng cường trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh tập thể; phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, coi đó là cánh tay nối dài trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Bộ cũng đang soạn thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia...
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được triển khai tốt hơn. Công tác thanh, kiểm tra được làm quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được yêu cầu trong công tác này, bởi tình trạng các mẫu xét nghiệm nhiễm vi sinh không giảm. Khâu chế biến thực phẩm chưa tốt do thói quen của người tiêu dùng.
Quy trình thủ tục hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm của cả hệ thống còn nhiều vướng mắc. Tình trạng quản cáo thực phẩm chức năng sai vẫn tràn lan. Ngoài ra, xu hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các trang trại theo đúng quy trình có xu hướng giảm, cần tiếp tục khơi dậy trong thời gian tới...
Theo Phó Thủ tướng, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cần thực hiện điều chỉnh theo quy trình quản lý rủi ro của thế giới, hướng tới phấn đấu đưa về cùng mặt bằng các sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu. Việc này cần được triển khai mạng ở các khu đô thị lớn. Vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm tốt việc này, cần tiếp tục kiên trì thực hiện.
Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình ban quản lý an toàn thực phẩm đã được triển khai tốt ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn ở Hà Nội cần được đánh giá, nhân rộng.
"Công tác truyền thông gắn với tập huấn đã được thực hiện tốt ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tại một số địa phương, công tác này chưa làm tốt. Các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh việc tập huấn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ", Phó Thủ tướng nói.
Đánh giá cao các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã tập trung tuyên truyền tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ qua các chuyên mục mà còn lồng ghép trong các chương trình thời sự, bài viết người tốt việc tốt... Phó Thủ tướng cho rằng công tác này cần tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan có thể tổ chức các cuộc thi vui gắn với việc tuyên truyền an toàn thực phẩm, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần sớm soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để các thành viên Chính phủ cho ý kiến, trình Chính phủ để sớm ban hành, trong đó, cần chú ý đến quy trình tiêu hủy; tập trung quản lý, chấn chỉnh các hoạt động bán hàng đa cấp, quảng cáo về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm bởi đây là những sản phẩm trực tiếp liên quan đến sức khỏe con người...