Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Phát triển Chính phủ điện tử để phục vụ người dân tốt hơn

Báo cáo xếp hạng mới nhất của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử cho biết: Việt Nam đã tăng từ vị trí 90 năm 2010 lên vị trí 83 năm 2012, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Xinhgapo, Malaixia và Brunây.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến dự và phát biểu tại hội thảo.

 

Nổi bật là các chỉ số về cơ sở hạ tầng, nguồn lực con người hay chỉ số Chính phủ điện tử. Để làm rõ hơn lộ trình và các giải pháp thực hiện thành công mục tiêu Chính phủ điện tử đến năm 2020, phóng viên Báo Tin tức đã phỏng vấn GS Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT).

 

´Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa của chủ đề Hội thảo Chính phủ điện tử năm 2012: "Phát triển Chính phủ điện tử: Minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn”.


Chúng ta biết là chủ trương thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước hay nói đơn giản là Chính phủ điện tử (CPĐT) có từ nhiều năm. Hiện nay chúng ta đang thực hiện chương trình 5 năm 2011 - 2015. CPĐT có 2 mục đích là làm cho hoạt động của Chính phủ hiệu quả hơn và phục vụ người dân tốt hơn. Lần này tại hội thảo CPĐT lần thứ 10 năm 2012, chúng ta đi sâu vào vế phục vụ người dân tốt hơn. Chúng ta chọn chủ đề này vì sau một số năm phát triển hiện nay số lượng dịch vụ công trên các trang tin của chính phủ, chính quyền các cấp ngày càng gia tăng. Đây là cơ hội để đẩy mạnh phục vụ người dân. Hiện nay cả nước có 9.800 dịch vụ công trên mạng ở cấp độ 1 và 2; gần 900 dịch vụ công cấp độ 3; 11 dịch vụ công cấp độ 4 - 5 là cấp độ cao nhất. Chính nhờ sự phát triển của dịch vụ công trong 2 năm qua mà trong đánh giá gần đây nhất của Liên hợp quốc, chỉ số CPĐT của VN đã tăng 19 hạng so với 5 năm trước, so với 6 năm trước tăng 22 hạng. Đó là mức tiến bộ đáng trân trọng. Tuy nhiên, CPĐT cần tiến tới phục vụ người dân tốt hơn nữa. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, đầu tư chưa tăng nhiều thì với những gì mà chúng ta đang có chính là đã phục vụ người dân tốt hơn, hỗ trợ đầu tư phát triển tốt hơn.


´Thưa Phó Thủ tướng, chúng ta phải có giải pháp riêng đột phá gì để thực hiện thành công mục tiêu Chính phủ điện tử năm 2020?


Khó khăn hiện nay là trải qua quá trình phát triển, trình độ và điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương còn chênh lệch cho nên khả năng ứng dụng CNTT còn khác nhau. Chúng ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho nên triển khai chưa đồng bộ. Chúng ta cần xác định 2 yêu cầu: Đẩy nhanh những cái tốt - làm sao nhiều người dân và nhiều doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công đang có trên mạng và tiếp tục mở rộng các dịch vụ công hơn nữa.

 

Ngày 20/7, tại Hà Nội đã khai mạc hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử: Minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn” do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức. Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

Nhưng nếu chỉ làm như vậy thì chưa đủ vì đến một lúc sẽ hết nguồn lực. Vì vậy yêu cầu đặt ra là xây dựng được cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên thông từ cấp cơ sở tới trung ương phục vụ quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Từ đó cung cấp cho người dân thông tin có chất lượng cao hơn. Đây là điểm chúng ta còn yếu. Hôm nay hội thảo xác định từ đây đến cuối năm 2012 đầu năm 2013 tập trung xây dựng cấu trúc hệ thống cơ sở dữ liệu của CPĐT Việt Nam cũng như các chuẩn dữ liệu hệ thống cấu trúc này, từ đó tạo liên thông dữ liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia mà theo yêu cầu của Thủ tướng là có 9 hệ cơ sở dữ liệu quốc gia để từ đó CPĐT tại Việt Nam bước sang một giai đoạn mới sau năm 2013.


´Theo Phó Thủ tướng, Nhà nước và doanh nghiệp cần làm gì để thúc đẩy sự tham gia của người dân vào việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến?


Chúng ta đang có mâu thuẫn là: Số lượng dịch vụ công trên mạng thì ngày càng tăng nhưng số người biết và sử dụng thì hạn chế. Vì vậy cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu phổ biến. Việc này, cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố cũng cần bàn nhưng theo tôi cấp phường, xã rất quan trọng. Vì cấp phường, xã mới nắm được bao nhiêu hộ dân đã biết dịch vụ công trên mạng để người dân tin và sử dụng. Bên cạnh nâng cao nhận thức, chúng ta cũng cần tăng cơ hội tiếp cận về kỹ thuật. Cần đẩy mạnh chương trình 1 triệu máy tính nối mạng giá rẻ cho học sinh vì học sinh có máy tính thì về nhà thúc đẩy cha mẹ truy cập và sử dụng dịch vụ công. Các tụ điểm thông tin, tụ điểm văn hóa tại cộng đồng cũng cần được trang bị máy tính giá rẻ để người dân dễ tiếp cận. Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để tăng số máy tính và điểm tiếp cận dịch vụ ở địa phương. Chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm của Chính phủ, sáng kiến của doanh nghiệp và tinh thần xung kích của đoàn thanh niên đưa dịch vụ công đến người dân thì chúng ta có thể tăng được tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trên mạng.


Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!


Hoàng Hoa (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN