Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban sẽ thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu đánh giá, dự thảo luật được chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng luật, bám sát kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, có tính chất phức tạp, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội nên một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu sâu thêm, có giải trình thuyết phục để giải quyết một cách hợp lý nhất các vấn đề vướng mắc mà thực tiễn đặt ra. Cụ thể như tiếp tục rà soát về các lĩnh vực, ngành nghề cần chuyển đổi vị trí công tác (Điều 26), quy định thống nhất về cơ quan quyết định các vị trí công tác cần chuyển đổi mà không nên giao cho Ủy ban nhân dân mỗi tỉnh tự quyết định, cần quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định thời hạn chuyển đổi vị trí công tác (Điều 27), bỏ quy định về xử lý người đưa hối lộ, của hối lộ (Điều 110)…
Đề xuất giao cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập
Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32 dự thảo Luật), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chỉ rõ, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là thiếu bộ máy quản lý bản kê khai và sử dụng các thông tin, dữ liệu có được nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Vì vậy, việc quy định về hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập dựa trên quản lý tài sản, thu nhập là rất cần thiết. Dự thảo Luật giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở cả Trung ương và địa phương; thanh tra bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nơi không có cơ quan thanh tra (gọi chung là cơ quan thanh tra) kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng còn lại.
Nhiều ý kiến tán thành với quy định như trong dự thảo Luật và cho rằng cơ quan thanh tra có điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong xác minh tài sản, thu nhập; đồng thời đây cũng là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Quy định này bảo đảm được tính độc lập nhất định trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai, đồng thời tạo điều kiện tập trung nguồn lực cho việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ của cán bộ thực hiện, tăng cường cơ sở vật chất, công nghệ, bảo đảm bí mật về thông tin, tài liệu có liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, Chính phủ cần nêu rõ hơn tính khả thi khi giao thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập cho cơ quan thanh tra, bảo đảm việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cơ quan này không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ đối với các chức danh của cơ quan Nhà nước khác…
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm: Kiểm soát tài sản bao gồm nhiều công việc từ kê khai, xác minh, xử lý, theo dõi… Ở nhiều nước trên thế giới, việc này giao cho kiểm toán và cơ quan thuế thực hiện. Trong khi đó, ở nước ta, việc xác minh – khâu quan trọng nhất trong kiểm soát tài sản lại giao cho cán bộ thuộc bộ phận tổ chức cán bộ thực hiện là chưa hợp lý bởi đội ngũ này chưa được đào tạo bài bản về nội dung này. Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, cần có bước đột phát trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập và nên giao cho cơ quan chuyên trách thực hiện công việc này theo trình tự tố tụng minh bạch.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đối với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Tòa án, Viện Kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì nên giao cho các cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo hệ thống dọc để tránh quá tải đối với hoạt động của cơ quan thanh tra đồng thời không làm ảnh hưởng đến tính khách quan trong thực hiện nhiệm vụ các cơ quan lập pháp và tư pháp.
Đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội băn khoăn: Nếu cơ quan thanh tra thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập thì liệu có tăng biên chế vì cơ quan này phải nhận thêm nhiệm vụ trong khi đối tượng kê khai là không nhỏ. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo cung cấp số lượng đối tượng mà các cơ quan thanh tra quản lý làm đầu mối xác minh tài sản thu nhập.
Giải trình về nội dung này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, theo tính toán, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập khoảng 6.000 đối tượng, các cơ quan thanh tra cấp tỉnh kiểm soát trên dưới 2.000 người, riêng các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10.000 đối tượng. Nếu dự thảo Luật được thông qua và Quốc hội ra Nghị quyết kèm theo để tổ chức thi hành luật thì ngành thanh tra sẽ đề xuất chuyển phần lớn lực lượng để làm việc này. Phần thanh tra kinh tế - xã hội hiện nay đang chiếm một nửa công chức ngành thanh tra sẽ phải giảm đi; công tác thanh tra các vụ việc, dự án sẽ chuyển cho Kiểm toán Nhà nước. Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra bộ, ngành chỉ thanh tra các vụ việc quan trọng mà Thủ tướng thấy cần thiết phải làm rõ. Dự kiến, hơn 1/3 công suất của Thanh tra Chính phủ sẽ dành cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tạo ra sự biến đổi trong tổ chức hoạt động của toàn lực lượng. Như vậy, cả nước có 85 cơ quan, 21 bộ, ngành, 63 tỉnh và Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập.
Nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng, phương thức kê khai tài sản, thu nhập
Nội dung về đối tượng và phương thức kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37 và Điều 39 dự thảo Luật) cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng phân biệt giữa các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu với các đối tượng thường xuyên phải kê khai tài sản, thu nhập (kê khai bổ sung, kê khai lại). Theo đó, đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu là các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, công chức, một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử giữ chức danh quản lý vốn, tài sản Nhà nước trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Đối tượng phải kê khai bổ sung khi thu nhập phát sinh có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Đối tượng phải kê khai hàng năm là những người được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên hoặc dưới 0,9 nhưng làm việc ở một số vị trí công tác trong lĩnh vực kiểm toán, thuế, hải quan, tòa án, viện kiểm sát… Đối tượng phải kê khai lại là những người được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, được cử giữ chức vụ khác để phục vụ công tác cán bộ.
Nhiều đại biểu đánh giá, dự thảo Luật mở rộng phạm vi đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là phù hợp với quan điểm của Đảng được quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao; việc mở rộng chỉ được tiến hành khi đã làm tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng này và khi có đủ nguồn lực. Nếu mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như dự thảo Luật (dù là lần đầu) mà không theo dõi biến động, không xác minh tài sản, thu nhập của họ thì có nguy cơ dẫn đến không tuân thủ hoặc tuân thủ không nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập.