Ngày 7/8, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo và bàn kế hoạch triển khai tổng kết việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Theo dự thảo Kế hoạch do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo trình bày, nội dung chủ yếu của tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phòng chống tham nhũng, chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020, chương trình hành động của Chính phủ về phòng chống tham nhũng; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, phòng chống, rửa tiền; phát hiện và xử lý tham nhũng, công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Việc tổng kết nhằm đánh giá hoạt động giám sát công tác phòng chống tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng; tình hình tham nhũng, nguyên nhân, những khó khăn vướng mắc chủ yếu trong việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, đề xuất kiến nghị và bài học kinh nghiệm...
Các Bộ, ngành địa phương gửi dự thảo báo cáo, số liệu chậm nhất vào ngày 30/11, tổ chức hội nghị tổng kết và hoàn thành gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào tháng 1/2016, báo cáo chuyên đề vào tháng 2/2016. Dự kiến hội nghị tổng kết 10 năm Luật phòng chống tham nhũng vào tháng 4/2016.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận và cơ bản thống nhất với các nội dung trong kế hoạch triển khai. Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm các nội dung như phát huy, bảo vệ, khen thưởng người có thành tích phòng chống tham nhũng, có thêm chế tài bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người có công tố cáo tham nhũng, tổng kết mô hình đầu mối các cơ quan phòng chống tham nhũng các đoàn thể ở Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng cần tổng kết sâu 18 nội dung trong công tác phòng chống tham nhũng, liên quan vấn đề minh bạch, các hành vi phòng chống tham nhũng trong Luật phòng, chống tham nhũng, quan tâm đến việc bảo vệ người tố giác hành vi tham nhũng, chú trọng công tác tuyên truyền về việc phòng ngừa công tác phòng chống tham nhũng.
Các chuyên đề tổng kết dự thảo phải bám sát vào Luật phòng chống tham nhũng. Bộ Tư pháp cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng.
Trao đổi làm rõ một số vấn đề, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng là trên cơ sở đó đánh giá mặt làm được, chưa được, rút kinh nghiệm, nguyên nhân, đề ra giải pháp sắp tới và mục tiêu quan trọng hơn là đi đến sửa luật toàn diện.
Nếu tổng kết toàn quốc vào tháng 4/2016 thì chuẩn bị dự án Luật để Quốc hội bàn và thông qua vào năm 2017 theo lộ trình xây dựng pháp luật. Tiếp thu các ý kiến góp ý, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo sẽ có đề cương chi tiết hướng dẫn các thành viên trong xây dựng báo cáo, phân giao trách nhiệm cho các bộ ngành.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quán triệt yêu cầu nội dung, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch, việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phải gắn với tình hình phòng chống tham nhũng hiện nay và việc thực thi công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức triển khai, quán triệt kế hoạch, đề cương hướng dẫn tổng kết, hoàn thành trong tháng 8/2015.
Phó Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước coi đây là việc quan trọng, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần thực hiện nghiêm chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, tổng kết nghiêm túc, thiết thực, nhất là một số cơ quan quan trọng.
Mỗi Bộ, ngành có một báo cáo chuyên đề ngắn gọn, rõ ràng, cô đọng, sát thực theo đề cương của Ban chỉ đạo. Đặc biệt, báo cáo chung phải được đưa ra thảo luận nhiều lần ở Ban chỉ đạo để đánh giá đầy đủ trên cơ sở tiếp thu những vấn đề được giao cho các Bộ, ngành, từ đó làm cơ sở xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng mới, đề ra chủ trương biện pháp sát thực, cụ thể trong thời gian tới. Ban chỉ đạo sẽ tiến hành kiểm tra việc tổng kết của một số cơ quan.
Cơ quan Thường trực và các thành viên Ban Chỉ đạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, muốn làm tốt, phải phối hợp xử lý thông tin, số liệu tốt, thống nhất báo cáo chuyên đề, báo cáo chung – Phó Thủ tướng nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh trong tuần tới, Ban chỉ đạo phải ký báo cáo Kế hoạch triển khai để kịp tiến độ thực hiện.