Phát huy tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên - Bài 1: Nói đi đôi với làm

Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Quy định số 10 - QĐi/TU ngày 14/01/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong quy định nêu rõ "10 xây 10 chống" theo tinh thần "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" để đề cao việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu đơn vị đề ra nhiều giải pháp để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác xây dựng Đảng góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Chú thích ảnh
Sáng 21/10/2020, tại thành phố Ninh Bình, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc.Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Bài 1: Nói đi đôi với làm

Nêu gương trong cuộc sống, trong thực thi chức trách, nhiệm vụ là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức Ðảng tại tỉnh Ninh Bình. Phát huy tinh thần nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tại các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả.

Đưa Quy định nêu gương đi vào cuộc sống

Nhiệm kỳ qua, cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã kiên trì đưa xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một nội dung quan trọng với nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, quyết liệt. Thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Quy định số 10 - QĐi/TU ngày 14/01/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong quy định nêu rõ "10 xây 10 chống" theo tinh thần "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực". Điểm cốt lõi của Quy định là "Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, đi đầu trong việc nêu gương để cấp dưới học tập, noi theo; đảng viên phải nêu gương trước quần chúng" và nhấn mạnh trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Từ đó, nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo đưa Quy định vào thực tiễn cuộc sống góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trong triển khai thực hiện các Quy định về nêu gương, huyện ủy Nho Quan chỉ đạo tập trung nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Đảng, trách nhiệm đảng viên trong sinh hoạt đảng; nâng cao năng lực, trách nhiệm trong lãnh đạo và triển khai nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã. Huyện ủy Gia Viễn đã chú trọng công tác đối thoại với nhân dân để giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; giải quyết ô nhiễm môi trường và các vấn đề an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh; xây dựng phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói đi đôi với làm. Huyện ủy Yên Mô đã tăng cường giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đối với việc nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách, tác phong công tác quần chúng, dân chủ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu... Tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, Ban thường vụ Thành ủy đã chú trọng xây dựng phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gần dân, sát dân, gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

Bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó Bí thư Thành ủy Tam Điệp cho biết, xác định công tác cán bộ là "then chốt của then chốt" trong nhiệm kỳ qua, Thành ủy Tam Điệp đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên" có phẩm chất đạo đức, có năng lực uy tín đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Theo đó, hàng năm các đồng chí cán bộ, đảng viên viết bản cam kết để thực hiện các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và xác định rõ những nhiệm vụ của mình phải làm trong từng tháng từng quý, cả năm và cam kết thực hiện. Trên cơ sở bản cam kết các tổ chức cơ sở đảng tiến hành đánh giá kết quả làm được của các đồng chí cán bộ đảng viên sau đó rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng thực hiện trong những năm tiếp theo. Qua đó, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tại địa phương ngày càng nâng lên, tạo chuyển biến tích cực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến, "tự chuyển hóa"; góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

"Làm hết việc chứ không hết giờ" gắn với thực hiện nghiêm túc phương châm "Ba không" (không gây phiền hà cho dân, không thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công việc của dân, không nhận hối lộ, tham nhũng) và "Ba nên" (nên vui vẻ làm việc với nhân dân, nên xin lỗi người dân khi có thiếu sót, khuyết điểm, nên cảm ơn người dân khi được góp ý xây dựng) là cách làm sáng tạo nhằm phát huy tinh thần nêu gương, gương mẫu của cán bộ, đảng viên được Chi bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình duy trì hiệu quả trong nhiều năm qua. Chi bộ đã thành lập tổ kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm quá hai lần với các hành vi như đi muộn, về sớm, sử dụng giờ hành chính để giải quyết việc riêng... Nhờ đó, công việc của Phòng luôn thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, nhất là hoàn thành tốt việc tham mưu cho UBND huyện Hoa Lư thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Cán bộ giữ cương vị, trọng trách càng cao càng phải nêu gương lớn

Chú thích ảnh
Đại hội biểu quyết thông qua tư cách đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Từ năm 2017 đến nay, nội dung "nêu gương" liên tục được lựa chọn là Chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy Ninh Bình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch triển khai; tập trung vào 3 nội dung nêu gương về tình yêu thương với người thân, với nhân dân, đối với đồng chí, đồng nghiệp; chống thờ ơ, vô cảm; nêu gương về thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; nêu gương về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt nhất chức trách, nhiệm vụ được giao. Thông qua việc thực hiện tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng sinh hoạt tại chi bộ, đưa nội dung Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nền nếp gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tỉnh ủy Ninh Bình đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ cấp cơ sở theo hướng chuyên sâu, đào tạo có định hướng; chú trọng đào tạo về phương pháp, phong cách làm việc. Hằng năm, Tỉnh ủy đã mời giảng viên của Học viện chính trị Quốc gia Hồ chí Minh, các giảng viên có kinh nghiệm về giảng dạy tổ chức 02 lớp nguồn cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, 3 lớp nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã cho hơn 200 người; mở hàng nghìn lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức qua đó chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, đến nay Đảng bộ tỉnh Ninh Bình có 666 tổ chức cơ sở đảng với hơn 72.000 đảng viên. Công tác phát triển đảng viên bảo đảm cả về chất lượng, số lượng, việc đánh giá tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được thực hiện nề nếp, khách quan, sát với thực tế. Từ năm 2017, Tỉnh ủy Ninh Bình đã thành lập được thêm 30 tổ chức Đảng, kết nạp hơn 2000 đảng viên/năm, trong đó có nhiều đảng viên là công nhân lao động, là chủ các doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ qua, bám sát vào các Nghị quyết, Quy định, hướng dẫn của Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời các nội dung về công tác tổ chức và cán bộ qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo có đầy đủ phẩm chất đạo đức, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có năng lực quản lý, điều hành từng bước nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020 tạo nền tảng vững chắc để bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thường xuyên chỉ đạo, giúp đỡ và kịp thời hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó, nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên; kỷ cương, kỷ luật được siết chặt, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát ngày càng cao. Nhiệm kỳ qua, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra trên 3.000 tổ chức đảng và trên 4.000 đảng viên, trong đó, ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra đối với trên 1.400 tổ chức đảng và trên 2.300 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giám sát chuyên đề đối với trên 3.000 đảng viên và trên 2.400 tổ chức đảng; thi hành kỷ luật 1.357 đảng viên. Sau thi hành kỷ luật, nhiều nơi đã có những tiến bộ rõ nét, củng cố thêm niềm tin với nhân dân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của các cấp chính quyền trong tỉnh. Minh chứng rõ nhất là kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm (GRDP) giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 8,03%/năm, tổng thu ngân sách đạt cao; 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỉnh có ba huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân giảm 1.81%/năm.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm gồm: Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên" đảm bảo có năng lực, có phẩm chất đạo đức, hoàn thiện thêm hoàn thiện lại các quy định, quy chế riêng về công tác cán bộ, phân định rạch ròi trách nhiệm và thẩm quyền đặc biệt là trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu trong công tác cán bộ; thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ từ tuyển dụng đến quy hoạch, nhận xét đánh giá, đề bạt bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ; thực hiện tốt chủ trương luân chuyển cán bộ để đào tạo bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực.

Về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII ngày 21/10, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận những thành tựu quan trọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiệm kỳ vừa qua, trong đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo. Chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị được nâng lên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt nhiều kết quả. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình trong nhiệm kỳ vừa qua là rất đáng tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, làm nên diện mạo mới ngày càng khởi sắc, tươi đẹp từ các đô thị đến mọi vùng nông thôn của tỉnh, tạo niềm tin, nền tảng, tiền đề quan trọng để tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh "Chúng ta đã làm tốt rồi nhưng cần phải làm tốt hơn nữa. Tỉnh Ninh Bình cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc. Phát huy đầy đủ trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, lãng phí".

Bài cuối: Nêu gương sáng nhận niềm tin

Hải Yến (TTXVN)
Đồng chí Trần Quốc Vượng dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình
Đồng chí Trần Quốc Vượng dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình

Sáng 21/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc với chủ đề "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân, giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN