“Trong suốt thời gian ở cương vị lãnh đạo cũng như sau này đã nghỉ hưu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn trăn trở trước nhiều vấn đề của đất nước, của nhân dân”, ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về người lãnh đạo mực thước, uyên thâm, giản dị mà ông vinh dự được làm việc cùng cũng như ở bên cạnh trong suốt hai mươi tám năm, từ năm 1972 đến năm 2000 khi Thủ tướng mất.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng Điện Biên Phủ (ông Nguyễn Tiến Năng đứng ngoài cùng bên phải). Ảnh do ông Nguyễn Tiến Năng cung cấp |
Làm sao để trẻ em có một quả trứng mỗi ngàyTheo ông Nguyễn Tiến Năng, chưa có ai giữ cương vị Thủ tướng dài như đồng chí Phạm Văn Đồng (32 năm-PV). Ở cương vị đó, Thủ tướng trăn trở nhiều vấn đề, nhưng trước hết là vấn đề kinh tế và chăm lo cuộc sống cho người dân. Nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước độc lập rồi nhưng nếu dân không ấm no, không hạnh phúc thì độc lập không có nghĩa lý gì; Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất chú trọng đến xây dựng, phát triển kinh tế, làm thế nào đưa nền kinh tế của đất nước đi lên. “Để phát triển kinh tế thì sẽ phải làm rất nhiều việc, nhưng ở đây Thủ tướng nghĩ trước hết là phải làm thế nào để trẻ em có một quả trứng một ngày, một lon sữa một ngày, một quả chuối mỗi ngày. Đơn giản như vậy thôi. Nên Thủ tướng nói trước hết phải lo cho trẻ em”, ông Nguyễn Tiến Năng nhớ lại.
Thời gian đó, Thủ tướng đã vận động nhân dân các nơi trồng chuối, rồi vận người dân đồng trồng đậu tương để có sữa, nuôi đàn gà để có trứng. Nhiều nơi đã làm theo, cuộc sống của người dân bắt đầu khá lên.
Ở các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, giáo dục... Thủ tướng đều chú trọng và có những hành động cụ thể. Chẳng hạn, về nông nghiệp, trăn trở của Thủ tướng khi đó là làm thế nào để có thể tổ chức sản xuất để đạt năng suất cao. Muốn vậy phải cải tiến quản lý hợp tác xã, đưa hợp tác xã lên cấp cao hơn; cải tiến nông nghiệp, nghiên cứu khoa học để tìm giống cây trồng tốt, có chất lượng...
Với lĩnh vực giáo dục Thủ tướng cũng trăn trở rất nhiều. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng đi khảo sát ở rất nhiều trường, từ tiểu học đến đại học và nhận thấy cách dạy của chúng ta chưa đạt, chưa lấy học sinh làm trung tâm, thày đọc trò chép nên chưa phát huy được khả năng của học sinh, nhất là ở bậc đại học.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng lo đến tất cả các vấn đề của giáo dục, từ việc dạy gì, dạy như thế nào, phương pháp dạy ra sao để thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, học ra học; phải đào tạo thầy thế nào để có thầy giỏi từ đó có trò giỏi. Đồng thời, Thủ tướng cũng tính đến cả việc xây dựng cơ sở vật chất để trường phải ra trường.
Trước khi mất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết một cuốn sách về vấn đề giáo dục, đề cập đến từ lớp trẻ mẫu giáo đến bậc đại học. Theo Thủ tướng, ngoài phương pháp ra thì cần có hệ thống giáo dục hợp lý, làm sao để có hệ thống dạy nghề phát triển ở các tỉnh dể các em học xong cấp 2 hoặc cấp 3 đã có thể phân luồng.
“Thủ tướng mong muốn như vậy. Như thế chúng ta mới có những trường đại học giỏi, từ đó mới đào tạo được học sinh giỏi cũng như thợ có tay nghề giỏi. Tôi nghĩ tác phẩm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết trước khi mất về vấn đề giáo dục cho đến bây giờ vẫn có giá trị thời sự của nó”, ông Nguyễn Tiến Năng tiếp tục dòng hồi tưởng.
Ủng hộ thực hiện cơ chế giá, khoán hộThủ tướng Phạm Văn Đồng luôn lắng nghe ý kiến từ địa phương, ủng hộ những cách làm mới. Theo ông Nguyễn Tiến Năng, có hai việc Thủ tướng quyết định chính là tiền đề cho công cuộc đổi mới sau này.
Việc thứ nhất, năm 1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một cuộc làm việc với Hải Phòng, địa phương đang thực hiện “khoán chui”. Thủ tướng củng đã nghe đến câu chuyện người dân thực hiện “khoán chui” ở nhiều nơi ở miền Bắc.
“Vì sao người ta lại phải làm thế? Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp lúc đó khiến người dân đều phải theo ban chủ nhiệm Hợp tác xã, vì thế không khuyến khích được sản xuất, năng suất nông nghiệp không cao, đời sống người dân thấp. Cơ chế “khoán chui” đã động viên được họ. Khi Thủ tướng đến và nghe cơ sở báo cáo thì thấy rõ ràng người dân hào hứng với cách làm mới này nên năng suất lao động tăng lên, sản lượng nhiều hơn, đóng góp cho nhà nước cũng cao lên.
Không chỉ vậy, người dân còn thu xếp được thời gian để làm những công việc khác ngoài làm nông mà trước họ không thể. Từ thực tế ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đồng ý để Hải Phòng thực hiện cơ chế khoán đến hộ trong nông nghiệp. Sau đó, cơ chế này được sự chấp thuận chính thức bằng văn bản của Ban Bí thư và Bộ Chính trị. Nhờ đó mà phong trào sản xuất trong nông nghiệp phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy.
Việc thứ hai, vào khoảng năm 1983, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Trường Chinh có buổi làm việc tại Đà Lạt với đoàn cán bộ của TP Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Linh là Bí thư thành ủy dẫn đầu. Khi ấy, sản xuất công nghiệp, thương mại ở TP Hồ Chí Minh đang rất khó khăn, đời sống công nhân thiếu thốn.
Chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch
Một vấn đề nữa mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất trăn trở cho đến cuối đời là vấn đề xây dựng Đảng, chống tham ô lãng phí, quan liêu. Trong hàng ngũ của Đảng có một bộ phận suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói hình tượng là “nhà của chúng ta quá bẩn nên phải quét cho sạch”.
Vì thế, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, phải xây dựng Đảng trong sạch, phải loại bỏ những phần tử tham nhũng, quan liêu ra khỏi Đảng. Chỉ như thế Đảng mới mạnh, lòng tin của dân vào Đảng mới ngày càng vững chắc. Trước khi mất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết bài báo nói về việc làm thế nào xứng đáng là người đảng viên. Đồng chí nhắc lại mục đích của Đảng là làm thế nào làm cho đất nước được độc lập, dân ta được no ấm, bình đẳng. Đảng viên phải đi trước một bước, như thế thì dân mới yên tâm. (Ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) |
Ngày làm việc đầu tiên, Chủ tịch Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe giám đốc các xí nghiệp và các đồng chí lãnh đạo thành phố trình bày nguyện vọng của mình. Để có thể cải tiến sản xuất, các ý kiến đề nghị cho phép được dùng các loại giá như: giá nhà nước, giá thỏa thuận và giá thị trường.
Cụ thể: Nhà nước cung cấp bao nhiêu vật tư thì sẽ là bao nhiêu sản phẩm và giá sản phẩm đó là do nhà nước quy định. Loại giá thứ hai là: xí nghiệp được mua những vật tư theo giá thị trường thì sản xuất ra sản phẩm có giá thị trường. Ngoài ra thì có thể có giá thỏa thuận khác giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
“Cơ chế này khác hẳn với cơ chế hiện tại lúc đó do nhà nước quy định hết mọi thứ mà người ta ví là “mua như ăn cướp, bán như cho”, giá sản phẩm không thực với giá trị của sản phẩm, với công lao động người ta bỏ ra. Nghe các đồng chí lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trình bày, Chủ tịch Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất thông cảm và cũng rất trăn trở về cơ chế mới nhưng chưa đưa ra được quyết định nào trong ngày hôm đó là đồng ý hay không.
Cuộc họp tiếp tục được tổ chức thêm ngày hôm sau. TP Hồ Chí Minh vẫn thể hiện quyết tâm xin phép được làm và sẽ làm với một trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhà nước, trước nhân dân thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Trung ương với những điều mà chúng tôi đề nghị ở đây. Chúng tôi tin tưởng có thể làm được.
Trước sự kiên quyết của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng như giám đốc các xí nghiệp, sau khi suy nghĩ rất kỹ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề nghị Chủ tịch Trường Chinh cho phép TP Hồ Chí Minh được làm thử theo cơ chế mới và đã được đồng chí Trường Chinh đồng ý. Nhưng đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh, đây là một việc rất mới, chưa có tiền lệ, trái với cái lâu này chúng ta làm nên phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, và phải thường xuyên báo cáo lên trung ương.
Quyết định này đã khiến sản xuất công nghiệp của thành phố sau đó khác hẳn, giải đáp, thỏa mãn được yêu cầu tiêu dùng của dân. Cũng từ thành công đó đã ra đời các Quyết định 25/CP và 26/CP của Chính phủ, mở ra cơ chế mới trong sản xuất kinh doanh, từng bước xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp.
“Hai việc này thể hiện dấu ấn trong chỉ đạo, lãnh đạo của Thủ tướng Phạm Văn đồng, là tiền đề cho tư tưởng đổi mới sau này. Nhưng tôi nói thêm là, trước đó, đồng chí Phạm Văn Đồng đã từng đi nhiều nơi và cũng ủng hộ với nhiều đổi mới của các địa phương.
Ví dụ như Long An thay đổi cách trả lương, tính lương vào sản phẩm. Lương đáng bao nhiêu thì trả cho người ta bấy nhiêu. Đấy là đưa giá vào lương. Hay như ở Vĩnh Phúc (Vĩnh Phú) việc khoán rừng cho dân mà trước không được làm cũng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủng hộ. Cách làm này khiến rừng được bảo vệ, phát triển, mà người dân cũng có thu nhập từ chăm sóc rừng. Thủ tướng cũng ủng hộ cách làm táo bạo của bà Ba Thi, giám đốc Công ty kinh doanh lương thực TP Hồ Chí Minh trong việc kinh doanh gạo-một mặt hàng mang tính chiến lược mà Nhà nước độc quyền quản lý.
Trong cái khó trăm bề của cơ chế quan liêu bao cấp luôn ràng buộc các doanh nghiệp, bà Ba Thi đã mua lúa, xay xát rồi cung cấp cho thành phố, thậm chí còn cung cấp cho cả miền Bắc. Ngoài ra, bà Ba Thi còn sản xuất cả bật lửa, kinh doanh về dầu lửa.