Theo danh sách chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, trong tổng số 868 ứng cử viên có 185 người là ứng cử viên dân tộc thiểu số, chiếm 21,31%.
Để đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số từ 17,3% lên 18% trong khóa XV, các ứng viên dân tộc thiểu số phải trải qua quá trình bầu cử, trong đó có vận động tranh cử để giành được sự tín nhiệm của cử tri. Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã có những trao đổi với phóng viên xung quanh nội dung này.
Thưa ông, việc nâng tỷ lệ cơ cấu đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số ở Quốc hội khóa XV lên 18% có gặp khó khăn gì?
Việc nâng tỷ lệ cơ cấu đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số từ 17,3% (khóa XIV) lên 18% (khóa XV) là mục tiêu có thể đạt được. Tuy nhiên, mục tiêu này đạt được cũng gặp một số khó khăn, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất, đó là chất lượng các ứng cử viên trong tranh cử. Yếu tố thứ hai là quá trình chuẩn bị cho các ứng cử viên xây dựng năng lực, chương trình hành động. Và điều quan trọng nhất, theo tôi đó là cử tri, họ bỏ phiếu cho ai. Đây là yếu tố quyết định đến số lượng đại diện thành phần các dân tộc trong cơ quan dân cử.
Tôi cho rằng với sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cũng như cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, cử tri sẽ có thêm nhiều những ứng cử viên là người dân tộc thiểu số và nhiều dân tộc thiểu số sẽ tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước sắp tới. Đặc biệt, chúng tôi cũng mong muốn sắp tới sẽ có thêm những đại diện trong số bốn dân tộc thiểu số mà hiện nay chưa từng có đại diện trong 14 khóa Quốc hội, để bảo đảm tính bình đẳng chính trị, phát triển, đó là các dân tộc: Lự, Brâu, Rơ Măm và Ơ Đu.
Nhiều năm công tác trong Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, xin ông có thể cho biết những khó khăn mà các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số gặp phải trong quá trình vận động tranh cử?
Một ứng cử viên đại biểu Quốc hội, khi ra ứng cử và vận động số đông cử tri bỏ phiếu cho mình đã là một khó khăn rồi. Đối với ứng cử viên dân tộc thiểu số, họ còn gặp nhiều khó khăn hơn. Thứ nhất, ứng cử viên dân tộc thiểu số do sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi nên khả năng tiếp cận thông tin có hạn chế. Cùng với đó, việc nắm bắt được tình hình chung của địa bàn vận động bầu cử cũng gặp không ít khó khăn, khi có nhiều dân tộc cùng sinh sống và điều kiện kinh tế khác nhau, không đồng nhất như các vùng đô thị, đồng bằng.
Thứ hai, do có rất nhiều các nhóm dân tộc khác nhau, phong tục, tập quán, văn hóa khác nhau, vậy nên, để một ứng cử viên của một dân tộc này có thể thuyết phục được cử tri của dân tộc khác cũng là một vấn đề. Ứng cử viên phải nói được tiếng nói của cử tri, có sự hòa đồng, chia sẻ về văn hóa với cử tri. Đấy là chưa nói tới việc ứng cử viên dân tộc thiểu số phải học hỏi, phải nắm bắt được những vấn đề yêu cầu của sự phát triển mới, của chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc. Ứng cử viên phải nắm rõ, hiểu rõ chính sách dân tộc để đưa được những thông tin này đến với cử tri và đưa vào chương trình hành động của mình.
Khó khăn thứ ba đó là sự tự tin. Một trong những yếu điểm của các ứng cử viên người dân tộc thiểu số là ít tiếp xúc với công chúng trong khi tự tin là một phẩm chất rất cần thiết với một ứng cử viên. Tôi cho rằng, mỗi ứng cử viên cần phải rèn luyện cho mình, cọ xát nhiều với thực tiễn để rèn luyện bản lĩnh trước cử tri, trước công chúng để thuyết phục cử tri trong vận động tranh cử.
Thưa ông, với những ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, nội dung chương trình hành động cần nhấn mạnh vào điểm nào để thuyết phục được cử tri tín nhiệm?
Tôi cho rằng, đã là người đại biểu dân cử, dù là đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân, là người đại diện của nhân dân, phải nói được tiếng nói của nhân dân, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cũng như mong muốn của nhân dân. Ứng cử viên dân tộc thiểu số cũng phải nói được tiếng nói của cử tri, của người dân và đặc biệt là của các cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều gì mà cử tri quan tâm, mong muốn nhất, chương trình hành động của người ứng cử phải nói được điều đó, để chạm tới những suy nghĩ, tình cảm cũng như mong muốn của cử tri và để cho cử tri gửi gắm, đặt niềm tin vào ứng cử viên, bỏ lá phiếu ủng hộ.
Để nội dung chương trình hành động phản ánh được đúng tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông, các ứng cử viên cần phải làm gì?
Ứng cử viên dân tộc thiểu số phải nói được tiếng nói của cử tri, của người dân và đặc biệt là của các cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đầu tiên, các ứng cử viên phải hiểu đồng bào của mình thế nào, đời sống, tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của họ ra sao và đồng cảm, chia sẻ với những suy nghĩ đó, từ đó đặt ra những mục tiêu, những khát vọng, nhiệm vụ cho mình để góp phần giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm. Như thế, mới có thể nói được tiếng nói đại diện cho cử tri. Tôi cho rằng, chương trình hành động của ứng cử viên nào chạm tới suy nghĩ, tình cảm và mong muốn của người dân, từ đó tạo cho cử tri một niềm tin, ứng cử viên đó sẽ thành công và cử tri sẽ bỏ phiếu cho họ.
Trân trọng cảm ơn ông!