Thế là anh Mai Thúc Lân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đã giã biệt chúng ta vào lúc 5 giờ 4 phút ngày 29/10/2014, tại Hà Nội, hưởng thọ 80 xuân.Đồng chí Mai Thúc Lân. Ảnh : TTXVN |
Dẫu biết anh đã phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, quái ác suốt 11 năm trời, nhưng khi biết tin anh đi xa, lòng chúng tôi, những người đã có những năm tháng được theo anh, phục vụ anh trong thời gian anh công tác ở Quốc hội, không cầm được nước mắt xúc động. Bỗng dưng chúng tôi nhớ đến những kỷ niệm đẹp về anh.
Là một thanh niên xứ Quảng vừa tròn 20 tuổi, tập kết ra Bắc (1955), Mai Thúc Lân luôn dồi dào chí tiến thủ, hăng hái học tập, công tác và rèn luyện toàn diện.
Thông qua con đường ham học hỏi, cố gắng nâng cao trình độ, kiến thức của mình và lăn lộn trong thực tế sản xuất, đời sống của tỉnh Hà Bắc trong hơn 30 năm, trải qua vô số công việc, nhiều cương vị được Đảng, Nhà nước giao phó mà Mai Thúc Lân trở thành một đồng chí lãnh đạo có uy tín cao và đầy triển vọng của tỉnh Hà Bắc: Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh kiêm Trưởng Ty nông nghiệp, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tiếp đó anh tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và khóa VIII. Anh là đại biểu Quốc hội ba khóa VIII, IX, X. Cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII (10/1989), anh được chuyển về đảm nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX (9/1992), anh được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội. Và tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X (9/1997), anh được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Điều mà chúng tôi rất quý anh Mai Thúc Lân là ở sự thông minh, sắc sảo, sức làm việc bền bỉ, dẻo dai, khiêm tốn, liêm khiết và tác phong sinh hoạt bình dị, chan hòa với quần chúng của anh.
Anh là người có ý thức tổ chức cao, nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công công tác của tỏ chức, thể hiện rõ nhất là lần anh được cử sang Campuchia làm Phó Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam tại tỉnh Bát-tâm-bâng (từ tháng 2-1982) và lần anh được Bộ Chính trị cử đi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng (từ tháng 3-1994) rồi tiếp đến đảm nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Cuộc sống gia đình anh từ Bắc Giang về Hà Nội còn chưa ổn định, nhưng anh vẫn thu xếp xong công việc gia đình rồi hối hả vào Đà Nẵng – quê hương thân yêu để nhận nhiệm vụ mới, với bao khó khăn thử thách. “Cho dẫu việc công bề bộn lắm” như lời thơ rất thực của anh, anh vẫn “Đâu để tâm hồn phải xác xơ”. Tâm hồn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đậm đà chất nhân văn và chất thơ ấy vẫn tràn đầy sự phơi phới lãng mạn:
Cuộc sống tuy còn nhiều phức tạp
Dòng đời chẳng cạn những ước mơ
Hơn ba năm công tác ở quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, trên “mảnh đất nuôi ta thành dũng sỹ”, Mai Thúc Lân đã để lại những ấn tượng đậm đà, lắng đọng trong lòng nhiều đồng chí, đồng bào nơi đây, nhất là các đồng chí lão thành cách mạng về hiệu quả, cường độ làm việc; sự tận tụy, toàn tâm, toàn ý và tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân của anh.
Và rồi khi trở lại cơ quan, đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch Quốc hội khóa X, sau mấy năm xa cách, anh vẫn như xưa: giản dị, chân tình, vui vẻ, gần gũi khi tiếp xúc, trao đổi với anh chị em cán bộ, nhân viên trong cơ quan.
Với một khối lượng công việc rất lớn do Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội phân công, vừa chỉ đạo, theo dõi phần công tác của Quốc hội về mảng kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và một số công tác quan trọng khác, vừa làm nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, đồng chí Mai Thúc Lân luôn có tư duy năng động, bao quát mà vẫn cụ thể, có chính kiến rõ ràng, dám chịu trách nhiệm về một số vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Do phương pháp tư duy đúng và cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề chính xác nên cách nói, cách viết của anh rất khúc triết, mạch lạc.
Những lần tháp tùng Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội tại một số địa phương trong cả nước và một số Bộ, ngành, chúng tôi đã học tập được ở anh rất nhiều điều bổ ích.
Khi xuống các cơ sở, anh chú ý bỏ qua nghi thức xã giao để dành nhiều thời gian tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo địa phương và tiếp xúc với quần chúng, cán bộ cơ sở.
Vốn là một cán bộ khoa học, kỹ thuật, trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều công tác của Đảng, Nhà nước trên nhiều địa bàn khác nhau của Tổ quốc và trên đất nước bạn Campuchia, lại tích lũy được nhiều vốn sống, cộng với vốn kiến thức hiểu biết nhiều mặt phong phú nên các ý kiến phát biểu của anh chứa đựng những nội dung, giải pháp thiết thực, khả thi, giúp ích nhiều cho cơ sở.
Khó mà kể hết những ý kiến sắc sảo, chính xác, những kết luận giàu tính lý luận và thực tiễn của anh trong nhiều phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc trong các kỳ họp Quốc hội, được đông đảo các vị đại biểu Quốc hội tán thành, cảm phục.
Anh đã góp phần cùng các đồng chí trong Đảng đoàn Quốc hội, trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX, khóa X hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao cho Quốc hội. Anh đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước.
Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, anh Mai Thúc Lân thanh thản nghỉ hưu, trở về cuộc sống đời thường, sống khỏe, sống vui, sống có ích cho đời. Thỉnh thoảng anh vẫn làm thơ, viết văn, vì đó là niềm vui thích, đam mê ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên của anh.
Thế là anh Mai Thúc Lân đã về cõi vĩnh hằng, vĩnh biệt vợ con và những người ruột thịt, vĩnh biệt đồng bào, đồng chí thân thương. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy như anh đang có mặt trong cuộc sống hiện nay, anh vẫn đang trao đổi, động viên mọi người sống và làm việc vì công cuộc đổi mới, vì tương lai của đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Vũ Tiến Đạt – Nguyễn Huy Thông (Văn phòng Quốc hội)