Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm- 'quyền năng' của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức Hội thảo “Năng lực cạnh tranh và Phát triển bao trùm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tới dự và phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trọng tâm là việc xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số tạo thuận lợi và thúc đẩy những giải pháp phát triển mới. Thiết bị phiên dịch tự động gần đây của Google là một minh chứng rõ nét cho tiềm năng mà công nghệ và kết nối có thể "xóa nhòa" khoảng cách giữa các quốc gia và dân tộc. Thế giới siêu kết nối sẽ tạo cơ hội cho mọi cá nhân, gia đình, tổ chức... ở mọi vùng miền không phân biệt biên giới, hải đảo, nông thôn hay thành thị. Thế giới siêu kết nối cũng kết nối vạn vật, kết nối thiên nhiên và cuộc sống. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm.

Trong lĩnh vực hạ tầng kết nối viễn thông, Việt Nam đã có những thành công đáng kể như: Cả nước hiện có trên 130 triệu thuê bao di động; vùng phủ 4G lên đến 99% số quận, huyện với gần 60 triệu kết nối di động băng thông rộng (3G, 4G). Hiện nay 55% dân số thường xuyên kết nối Internet. Đây là nền tảng thuận lợi để những mô hình kinh doanh mới, dựa trên kết nối số phát triển nhanh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, ở chiều ngược lại, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thách thức về nâng cao năng lực tranh và phát triển bao trùm đối với Việt Nam như: Vấn đề thay đổi mô hình kinh doanh, tự động hóa gây ra sự xáo trộn, chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn như đang xảy ra với các hãng taxi hay các công ty sử dụng nhiều lao động trong các ngành sản xuất, chế tạo ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Từ góc độ là một chính phủ kiến tạo, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm hiểu và loại bỏ các rào cản, các vấn đề đã và có thể sẽ phát sinh; Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết. Chính phủ cũng sẽ tích cực khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp dựa trên khoa học công nghệ ở Việt Nam; thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển các lĩnh vực xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân...

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới đang phát triển tốt đẹp. Năm 2017, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký Thỏa thuận hợp tác “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai”. Theo đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới sẽ xây dựng Báo cáo “Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam về nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tranh thủ tốt nhất cơ hội và lợi ích của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với ý nghĩa đó, thỏa thuận hợp tác này đáp ứng kịp thời và thiết thực các quan tâm và yêu cầu phát triển của Việt Nam.

Giới thiệu về nội hàm kinh tế Việt Nam tự cường trước kỷ nguyên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương, ông Justin Wood cho biết: Việt Nam đã có những bước phát triển nổi bật từ những năm 1980. Từ một quốc gia thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Giờ đây, Việt Nam đang tìm hướng phát triển hơn nữa, trở thành một quốc gia có mức thu nhập cao, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Ông Justin Wood cho rằng, tác động của cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ tư sẽ làm thay đổi sự phát triển của công nghiệp hóa, sự cạnh tranh của giá thành lao động. Thị trường sẽ tập trung vào chất lượng của lao động thay vì giá thành lao động, từ đó thay đổi cách thức phát triển kinh tế trong tương lai. Diễn đàn Kinh tế thế giới đã thực hiện dự án hợp tác với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để triển khai hệ thống đào tạo nhân lực trong một tương lai bất định.

Ông Justin Wood cho biết, hội thảo lần này tập trung vào năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm. Đây là hai lĩnh vực mà Diễn đàn Kinh tế thế giới đã từng thực hiện nhiều nghiên cứu trước đây. Diễn đàn Kinh tế thế giới mong muốn đem những kinh nghiệm về hai lĩnh vực này góp phần giúp Việt Nam phát triển ở mức cao.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận một số nội dung về viễn cảnh một Việt Nam cạnh tranh và bao trùm; vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển bao trùm; đo lường tác động xã hội của doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển bao trùm; cách tiếp cận mới của Diễn đàn Kinh tế thế giới về đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia và tác động của thay đổi công nghệ; những điểm nghẽn của Việt Nam về năng lực cạnh tranh và giải pháp cải thiện…

Thu Phương
Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức đối với kiểm toán viên
Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức đối với kiểm toán viên

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức đối với Kiểm toán viên Nhà nước”, nhằm nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhận diện những thách thức đối với Kiểm toán viên Nhà nước để chủ động bắt kịp với xu thế của thời đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN