Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà có sự tham gia của 2 Phó Chủ tịch Quốc hội và nhiều Nghị sĩ cho thấy sự coi trọng của Bờ Biển Ngà cũng như những tình cảm của nhân dân Bờ Biển Ngà nói chung và Quốc hội Bờ Biển Ngà nói riêng đối với đất nước, con người Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Bờ Biển Ngà là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Phi. Hai Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc hội đàm rất thành công, trao đổi sâu rộng về mối quan hệ của hai Quốc hội và đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp.
Hai bên thể hiện quyết tâm làm hết sức mình để đưa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bờ Biển Ngà trở thành một trong những hình mẫu của Quốc hội Việt Nam với các nước châu Phi, đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai cơ quan nghị viện.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng pháp luật, hai bên chia sẻ các kinh nghiệm phát triển đất nước, xây dựng các khung khổ, thể chế để tăng cường quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Hợp tác giữa hai cơ quan Quốc hội sẽ là “chất xúc tác”, động lực để góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển một cách toàn diện, thực chất hơn nữa trên các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, nông nghiệp, giao lưu nhân dân, vì lợi ích, hạnh phúc của nhân dân hai nước.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà, sẽ là một mốc mới rất quan trọng để đưa quan hệ của hai nước nói chung, quan hệ của hai Quốc hội phát triển ở tầm mức mới.
Phát biểu trước báo giới hai nước, Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo nhấn mạnh, thông qua chuyến thăm, Bờ Biển Ngà mong muốn đẩy nhanh hơn nữa quan hệ về kinh tế và thương mại giữa hai nước. Việt Nam luôn đóng một vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, Việt Nam là một trong 20 quốc gia hàng đầu trên thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài, là một hình mẫu, một mô hình phát triển mà Bờ Biển Ngà đặc biệt quan tâm; đồng thời mong muốn mời các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư và hợp tác tại châu Phi.
Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà cho rằng, để có thể chuyển đổi nền kinh tế, Bờ Biển Ngà phải thành công trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp và để chuyển đổi nền nông nghiệp thì phải chuyển đổi kỹ năng, năng lực về chế biến nông sản. Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà lấy ví dụ với các mặt hàng như hạt điều, bông vải sợi, ca cao; cho rằng cả Bờ Biển Ngà và Việt Nam đều cần có vị trí xứng đáng hơn nữa trong chuỗi giá trị về các sản phẩm nông sản mà hai nước đang xuất khẩu trên trường quốc tế.
Khẳng định, những con số đã nói lên rất nhiều điều, theo Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà, nhiệm vụ sắp tới của hai Quốc hội hai nước sẽ xây dựng các khuôn khổ, cơ chế pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước làm ăn, kinh doanh tại mỗi nước.
Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam từ một nước kém phát triển đã trở thành một hình mẫu phát triển. Với sự ổn định kinh tế, ổn định chính trị, chính sách đối ngoại rộng mở, muốn làm bạn với tất cả các nước và dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Alassane Ouattara, Bờ Biển Ngà quyết tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Với Bờ Biển Ngà, Việt Nam là đối tác quan trọng, là "chìa khóa" để Bờ Biển Ngà tăng cường quan hệ với ASEAN. Bờ Biển Ngà sẵn sàng làm cầu nối giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với khu vực Tây phi nói riêng và châu Phi nói chung.