Luật hóa thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền được biết, được bàn của người dân

Ngày 7/8, Bộ Nội vụ tổ chức Tọa đàm về cơ sở khoa học xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ trì buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, pháp luật về dân chủ ở cơ sở hiện đã bao quát hầu hết các lĩnh vực cần điều chỉnh, từ dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, đến dân chủ ở xã, phường, thị trấn và dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. 

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chủ trì, phát biểu tại Tọa đàm.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu, quan trọng, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn trong xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, tạo thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, các bộ, ngành; tạo chuyển biến quan trọng về ý thức, đạo đức, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân hơn; tác động tích cực tới việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố. 

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện dân chủ nhiều lúc, nhiều nơi vẫn còn hình thức, chưa vững chắc, chưa rộng khắp và đồng đều ở các địa phương, khu vực, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục; dân chủ trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phát huy. Tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương, pháp luật còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở chưa gắn kết thật tốt với nhiệm vụ thường xuyên, nhất là trong công tác xây dựng đảng, cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí. Việc kiểm tra, giám sảt thực hiện dân chủ cơ sở cũng còn nhiều hạn chế... 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, song có một nguyên nhân quan trọng là quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở còn tản mạn, giá trị pháp lý của các văn bản chưa cao, chưa thực sự phù hợp nguyên tắc nhà nước pháp quyền Việt Nam là điều chỉnh các quan hệ xã hội chủ yếu bằng Hiến pháp và các đạo luật. Do đó, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Tại Tọa đàm nhiều ý kiến đồng tình với việc cần có luật quy định về dân chủ ở cơ sở. Bởi vì, theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, tất cả những vấn đề về công dân, quyền công dân phải được luật định, còn quy định ở nghị định và pháp lệnh là vi hiến.

Chú thích ảnh
PGS. TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng chúng ta đã đi được một chặng đường dài trên con đường dân chủ, học làm dân chủ và trưởng thành dân chủ. Từ chỗ rất nhiều bức xúc trong mỗi con người, đến nay, mỗi người đã nhận rõ hơn quyền của mình và đảm bảo quyền đó rõ hơn, thực tế hơn. Dân chủ là quyền của mỗi con người. Từ khi có pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, không khí dân chủ có khởi sắc, những vấn đề dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã được triển khai rộng khắp. 

Tuy nhiên, vấn đề phải bàn là chất lượng, làm thế nào để dân chủ ở cơ sở có ích trên thực tế. Ông dẫn chứng chuyện đi họp, cái cần biết thì ít được thông báo, lúc nào cũng thông báo nhưng là cái mà ai cũng biết, nên nhiều khi vì kỷ luật mà phải đi họp chứ không phải háo hức đi họp để biết được thêm cái gì. 

“Dân vẫn thụ động đợi chính quyền cho mình biết cái gì, bàn cái gì. Lên cơ quan, thủ trưởng thông báo được cái gì thì biết cái đó và thảo luận vấn đề đó. Người dân được biết gì và bàn, làm, kiểm tra trong cái họ được biết, còn cái không biết thì không bàn, không làm và không kiểm tra. Do vậy, khi làm luật phải đảo ngược trở lại, dân được quyền gì chứ không phải được cho gì, phải thay đổi tư duy là lãnh đạo có nghĩa vụ cung cấp. Dân phải được biết lúc họ cần được biết”, ông Lê Minh Thông nói.

Ông cũng thẳng thắn cho rằng “thực chất tất cả quyền trong tay người đứng đầu, nhưng về mặt hình thức pháp lý thì không có quyền gì. Đây là bất cập, vì nguyên tắc tập trung dân chủ là quán triệt xuyên suốt tổ chức hoạt động của chúng ta. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, không có ai toàn quyền. Về mặt hình thức, cả tập thể lãnh đạo. Khó ở chỗ, tưởng là thủ trưởng có toàn quyền nhưng ông bị chi phối rất nhiều quan hệ trong cơ quan, bằng rất nhiều cách, ông thâu tóm quyền lực nhưng toàn cách không có quy định pháp luật... Đây là khiếm khuyết rất lớn của pháp lệnh. Người đứng đầu trong cơ chế lãnh đạo tập thể rất khó vì làm đúng thì cái gì cũng phải thảo luận tập thể”. 

Nêu câu chuyện của người dân Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) hơn 20 năm đi kiện mà không ai đứng ra bảo vệ lợi ích của họ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông chỉ ra thực tế “người dân có rất nhiều người đại diện, bảo vệ, nhưng khi có sự cố lại không thấy ai”. 

Theo vị Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Luật phải đảo chiều, thay vì quy định quá nhiều vấn đề chung chung thì quy định ít nhưng là vấn đề cốt lõi, thiết thực với người dân, cán bộ, công chức, có tính nguyên tắc căn bản, trên cơ sở đó có thể giao Chính phủ cụ thể hóa cho từng loại cơ quan một. 

“Trên cơ sở tinh thần Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các nghị định liên quan, làm luật đảo lại tư tưởng là cho người dân và cán bộ công chức là chủ thể được đòi, được hành động, chứ không phải lắng nghe thụ động và đợi. Trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu là đáp ứng, phục vụ, tinh thần phục vụ phải được thể hiện ngay trong luật”, ông Lê Minh Thông nêu rõ. 

Cho rằng không nên quy định quá nhiều vấn đề trùng lắp, không chỉ hạn chế ở câu chuyện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ở một phạm vi nhất định, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông nhấn mạnh, dân chủ là vấn đề xuyên suốt đan xen nhau, không bị giới hạn trong ranh giới, không phải chỉ ở cơ sở, trong một làng, một cơ quan. “Dân chủ chỉ bó hẹp trong cơ quan là làm thui chột dân chủ, thậm chí phản ánh không đúng dân chủ, cần phải tạo sự liên thông, người dân có quyền được biết những gì xảy ra trên đất nước này, thực chất cái gì đang diễn ra trên thế giới và cách ứng xử của chúng ta”, ông nói. 

Còn theo Tiến sỹ Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, trong xã hội dân chủ dân được biết và được bàn tất cả các vấn đề của nhà nước. Hiện có ba vấn đề dân ở cơ sở quan tâm và cần được biết, đó là quy hoạch, tổ chức cán bộ, ngân sách tài chính của xã, đây là những nội dung phải công khai cho dân biết, thậm chí dân được bàn. Một số vấn đề dân cần biết, chính quyền vẫn phải công khai, trừ vấn đề liên quan đến an ninh – quốc phòng. Không nên quy định những gì dân được biết, được bàn, mà quy định về những vấn đề dân không được biết như an ninh, quốc phòng của quốc gia. Dân là chủ thể của quyền lực nhà nước nên dân có quyền giám sát. Xây dựng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, đầu tiên phải xác định chủ thể là người dân, không phải là chính quyền, vì vậy, ngôn từ của luật là điều chỉnh chính quyền chứ không phải điều chỉnh người dân.

Bài và ảnh: Chu Thanh Vân (TTXVN)
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Chiều 11/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị sơ kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN