Linh hoạt xử lý công trình vi phạm, bảo đảm hiệu quả phòng cháy, chữa cháy

Chiều 12/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy định phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở, công trình xây dựng.

Phân loại theo nhóm nguy cơ cháy nổ

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: TTXVN

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ cho các công trình, cơ sở còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy nhưng không có khả năng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực tại thời điểm đưa vào sử dụng (dự thảo Nghị quyết).

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần ban hành hướng dẫn, tiêu chí xác định những công trình hiện hữu đang vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; phân loại theo nhóm nguy cơ cháy nổ, quy mô, mức độ phức tạp… 

Bộ Công an, công an các địa phương thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc khắc phục theo đúng quy định của chủ đầu tư, nhưng “không hợp thức hóa sai phạm”.

“Không cứng nhắc hay máy móc trong áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy; phân loại nhóm công trình để quản lý chặt chẽ; nhóm công trình gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nêu rõ, việc tháo gỡ vướng mắc cho các công trình vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy cần linh hoạt nhưng phải bảo đảm hiệu quả, an toàn.

Về lâu dài, các bộ, ngành tăng cường phân cấp trong thẩm duyệt, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy; có cơ chế công nhận, thừa nhận lẫn nhau về quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn cháy nổ đối với máy móc, thiết bị, vật liệu công trình xây dựng…

Chuyển từ thiết kế tiền định sang thiết kế theo công năng

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) phát biểu. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, về cơ bản, các khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy đã được nhận diện. Trong đó, hầu hết các vướng mắc đều có trước khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD) có hiệu lực.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, nhóm vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy theo Quy chuẩn 06:2022/BXD đối với các công trình đang trong giai đoạn thiết kế hoặc đã xây dựng xong nhưng chưa đạt yêu cầu nghiệm thu, đã được giải quyết triệt để.

Hiện còn hơn 38.000 công trình không đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy ngay khi đưa vào sử dụng hoặc qua quá trình cải tạo, sửa chữa, thay đổi công năng nhưng không chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng, chống cháy nổ.

Hiện các cơ quan chuyên môn đang rà soát sửa đổi, bổ sung và nghiên cứu biên soạn Hướng dẫn thực hiện QCVN 06:2022/BXD. Một số nội dung dự kiến nhằm làm rõ, bổ sung về: Định hướng, giải pháp phục vụ công tác thiết kế an toàn cháy cho nhà và công trình xây dựng; phát huy rõ vai trò tư vấn thiết kế, chuyển đổi dần từ thiết kế tiền định sang thiết kế theo công năng phù hợp với công trình cụ thể; nội dung liên quan đến các đối tượng công trình quy mô nhỏ có các đặc điểm phi tiêu chuẩn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Đối với công trình xây dựng có đặc điểm gắn với điều kiện từng địa phương, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương trong ban hành quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ; đề xuất phương án các công trình không có khả năng khắc phục các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành thì sẽ được áp dụng một số giải pháp kỹ thuật tăng cường, bổ sung nhằm nâng cao an toàn cháy nổ phù hợp với tình hình hiện nay.

Tại cuộc họp, Bộ Công an cũng kiến nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng bổ sung một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoặc một số quy định có tính khả thi chưa cao hoặc không phù hợp với thực tiễn; sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan…

Diệp Trương (TTXVN)
Nắng nóng gay gắt, chủ động các giải pháp phòng cháy, chữa cháy
Nắng nóng gay gắt, chủ động các giải pháp phòng cháy, chữa cháy

Hiện nay, nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 độ C đến 39 độ C, có nơi trên 40 độ C, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN