Kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Pari- Bài cuối: Trường đời ở Pari

Gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán ở Pari, khi các chiến sỹ, nhân dân Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ để chiến đấu giữ gìn từng tấc đất với kẻ thù, thì trên bàn đàm phán, các “chiến sỹ ngoại giao” cũng từng giờ, từng phút đấu tranh bằng lý lẽ với đối phương để đi đến thỏa thuận về bản Hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.


“Không bao giờ khuất phục!”


Năm 1972 là giai đoạn đi vào thương lượng cụ thể. Hồi đó lập trường của hai bên khác nhau lắm, Mỹ muốn rút, nhưng muốn giữ nguyên chế độ Thiệu - Kỳ, mà lại không công nhận chính phủ Lâm thời. Lúc bấy giờ đã đi vào thảo luận về Hiệp định rồi, hôm trước vừa thỏa thuận như thế, nhưng hôm sau họ lật lại. Mỹ luôn lấy cớ rằng chính quyền Sài Gòn không chấp nhận. Ở nhà, đồng chí Lê Duẩn đã dặn đồng chí Lê Đức Thọ: “Anh sang bây giờ, anh sẽ là Tư lệnh ở mặt trận ngoại giao, làm thế nào thì làm, nhưng anh phải đạt được là “quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại”. - ông Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nhớ lại.


Từ ngày 19/7 tới đầu tháng 10/1972, các cuộc gặp riêng đã có những tiến triển khả quan. Trong phiên họp riêng kéo dài lâu nhất trong suốt gần 5 năm đàm phán, từ 9 giờ 30 phút sáng 11/10/1972 tới gần 2 giờ sáng ngày hôm sau, nội dung Hiệp định về cơ bản đã được hai bên chấp nhận. Trong thông điệp ngày 20/10/1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mỹ Nixon đã xác nhận “văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành” và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31/10/1972 tại Pari. Kissinger thông báo với báo giới: “Hòa bình trong tầm tay”! Tuy nhiên, khi Nixon tái đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 đã tìm cách lật lọng, đưa ra những yêu sách nhằm phá bỏ những thỏa thuận trước đó. Trong cuộc họp hẹp với Kissingger sáng 4/12/1972, Cố vấn Lê Đức Thọ nói: “Chúng tôi cũng đã dự tính là nếu không giải quyết được thì chiến tranh sẽ rất tàn khốc, có thể là các ông sẽ đem B52 đánh bom ồ ạt đất nước chúng tôi… Chúng tôi đã chịu đựng hàng triệu tấn bom đạn của Mỹ, nhưng chúng tôi không hề khiếp sợ, chúng tôi không bao giờ khuất phục, không bao giờ làm nô lệ. Cho nên những lời đe dọa của các ông và việc các ông không giữ đúng lời hứa chỉ chứng tỏ các ông không phải là những người đàm phán nghiêm chỉnh”.


Theo ông Lưu Văn Lợi, sau phiên họp ngày 13/12/1972, ngày 14/12 Kissingger rời Pari, ngày 15/12 phái đoàn ông Lê Đức Thọ cũng rời Pari. “Khoảng hơn 6 giờ chiều ngày 18/12/1972 đoàn về đến sân bay Gia Lâm. Khoảng hơn 2 tiếng sau thì B52 trút bom xuống Hà Nội và các nơi khác. Trời đất sáng rực vì tên lửa và cao xạ bắn lên, đất rung chuyển ầm ầm, ông Lợi nhớ lại.


Việc dùng B52 ném bom Hà Nội thất bại đã phá tan “giấc mộng” đảo ngược tình thế của Mỹ, dư luận thế giới phê phán và phản đối kịch liệt. Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phải ngừng ném bom và quay lại bàn đàm phán.


Ngày 6/1/1973, Cố vấn Lê Đức Thọ tới Pari trong hào quang của "chiến thắng Điện Biên Phủ trên không". Ngày 8/1/1973, cuộc đàm phán bốn bên tại Pari được nối lại sau trận "Điện Biên Phủ trên không". Hôm ấy, khi đoàn Mỹ đến cổng, không có bất cứ thành viên nào của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra cửa đón như thông lệ. Kissinger phải tự mình mở cửa vào nhà, tự tìm lối vào phòng họp. Ở đó, đoàn của ta đã ngồi đợi sẵn, ai nấy đều tỏ thái độ lạnh lùng. Ngay khi bắt đầu phiên họp, Cố vấn Lê Đức Thọ đã rất nhẹ nhàng và mỉa mai khi nói chuyện với Kissinger và giới ngoại giao ở Pari: "Mỹ đã đón tiếp khi tôi trở về Hà Nội "hết sức lịch sự"... Và rồi ông gay gắt: “Các ông kiếm cớ thương lượng bị gián đoạn, để dùng B52 đánh vào Hà Nội. Hành động của các ông thật là trắng trợn và rất thô bạo. Các ông tưởng rằng làm như vậy là có thể khuất phục được chúng tôi, nhưng các ông nhầm. Chính các ông đã làm cho cuộc đàm phán khó khăn, chính các ông, chứ không phải ai khác đã làm cho danh dự nước Mỹ bị hoen ố...”. Kissinger lúc đó rất lúng túng, chỉ biết phân bua: “Đó không phải là trách nhiệm của tôi. Việc ném bom B52 xuống Hà Nội không phải là lỗi của tôi”.


Chưa bao giờ, những người có mặt trong buổi gặp mặt hôm đó lại thấy cố vấn Lê Đức Thọ nổi nóng như vậy. Ông đập bàn và nói: “Hơn mười năm nay, Mỹ đã dùng bạo lực để khuất phục nhân dân Việt Nam, bom napan, B52. Nhưng các ông đã không rút ra được bài học nào từ những thất bại đó. Thật là ngu xuẩn, ngu xuẩn, ngu xuẩn”. Khi ông ngừng lời, người phiên dịch của đoàn Việt Nam nhìn xuống sàn nhà, không muốn dịch mấy từ cuối cùng. Nhưng các thành viên trong phái đoàn Mỹ không những đã dịch nốt, còn nhấn mạnh thêm mấy từ cuối: “Stupid! Stupid! Stupid!”. Khi đó, Kissinger càng lúng túng, đề nghị: “Tôi có nghe những tính từ, tôi đề nghị không dùng những từ đó”. Nhưng ông Lê Đức Thọ trả lời: “Những từ đó tôi dùng đã là kiềm chế lắm rồi, chứ dư luận thế giới, các nhà báo và cả những người Mỹ còn dùng những câu chữ dữ dội hơn nhiều”. Và ông Thọ tiếp tục nói liền một tiếng đồng hồ không hề bớt gay gắt. Thậm chí có lúc, Kissinger đã xin ông hạ giọng bớt để các nhà báo đang tụ tập bên ngoài không nghe được, nhưng ông phớt lờ.


Ngày 23/1/1973, Hiệp định Pari được ký tắt với nội dung cơ bản như bản Dự thảo mà ta đưa ra hồi tháng 10/1972. Khi ký tắt xong, Kissinger trao cây bút mà ông ta vừa ký cho ông Lê Đức Thọ và nói: “Tôi xin tặng ông cây bút này để nhớ mãi ngày lịch sử này”. Ông Lê Đức Thọ tươi cười nhận và tặng lại Kissinger cây bút mình vừa ký và nói: “Tôi tặng lại ông cây bút này - và xin ông nhớ cho ký rồi phải giữ lấy lời nhé!”. Sau đó, ngày 26/1, Cố vấn Lê Đức Thọ đi Mátxcơva nên ông Lợi không được dự lễ ký chính thức hôm 27/1/1973.


Và mùa xuân thắng lợi


Ông Lợi nhớ lại, Tết năm 1973 cũng rất đặc biệt, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ăn Tết ở 3 nước. Tại Pari, các thành viên trong đoàn được ăn một cái Tết hoành tráng do hội Việt kiều tại Pháp tổ chức. Đêm đón Tết năm ấy có những người bạn quốc tế đặc biệt: Diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ là Jane Fonda, cùng hai ca sỹ là Joan Baez (người Mỹ) và Hugues Aufray (người Pháp). Họ đã cùng cất cao tiếng hát ủng hộ, chia sẻ mất mát chiến tranh với Việt Nam. Hôm đó còn có khoảng 6.000 người Việt ở Pháp và các nước lân cận, các quan khách Pháp và quốc tế cũng đến vui Tết Việt ở Pari.


Đến sáng 26/1, Cố vấn Lê Đức Thọ về Mátxcơva. Ngay tối hôm đó, Liên Xô tổ chức mít tinh hoành tráng ở Nhà Công đoàn, có các nhà lãnh đạo Liên Xô đến dự. Máy bay đưa đồng chí Lê Đức Thọ lại quay sang Pari đón đồng chí Nguyễn Duy Trinh, rồi cả đoàn cùng về nhà. Máy bay dừng lại Bắc Kinh đúng chiều 30 Tết. Để chúc mừng Việt Nam đạt được thắng lợi ở Pari, các bạn Trung Quốc nhất định giữ đoàn ở lại đón giao thừa tại Bắc Kinh. Thật thú vị, trong bữa cơm đón giao thừa ở Bắc Kinh, cả đoàn ngạc nhiên và cảm động khi thấy mâm cơm ngày Tết lại có nem, có bánh chưng… Thì ra, bữa tiệc giao thừa năm đó được chế biến bởi một đầu bếp Trung Quốc vừa đi học nấu ăn ở Việt Nam về. Bữa tiệc liên hoan mừng năm mới đó cũng rất vui, nhưng vui nhất vẫn là khi về Việt Nam.


Đoàn về nước đúng hôm mùng 1 Tết, xông đất Việt Nam. Ngay ngày mùng 2 Tết năm Quý Sửu (tức ngày 4/2/1973), Cố vấn Lê Đức Thọ đã lên đường đến thăm các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 77, Sư đoàn phòng không Hà Nội, Đại tá Trần Văn Giang, Chính ủy sư đoàn, thay mặt đơn vị chào mừng “lão tướng chiến thắng từ mặt trận ngoại giao trở về”. Cố vấn Lê Đức Thọ xua tay nói: “Không, không! Cán bộ, chiến sĩ phòng không không quân anh hùng mới chính là người chiến thắng. Không có chiến thắng của các đồng chí trên mặt trận quân sự, thì sẽ không có chiến thắng ở mặt trận ngoại giao. Các đồng chí đã bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội và chính cái đó đã buộc Mỹ ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973. Chính các đồng chí đã cho tôi sức mạnh và sự kiên quyết trước kẻ thù trên bàn Hội nghị”.
Ông Lợi đã từng ví, Hội nghị Pari như một cái lò luyện cho những cán bộ tham gia Hội nghị. Ông bảo, gần 5 năm trời, Hội nghị như một trường học ngoài đời đã đào tạo nhiều người trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Không chỉ tôi luyện trí tuệ, bản lĩnh cho các cán bộ của ta, mà Hội nghị Pari những năm ấy còn cảm hóa bao nhiêu thế hệ không chỉ người Việt Nam. Có những người Pháp đang đi làm ở công ty, đã xin nghỉ không lương, đăng ký với Đảng Cộng sản Pháp tình nguyện đến giúp đoàn ta, họ còn mang cả xe ô tô riêng đến, rồi đảm nhiệm luôn vai trò lái xe, sẵn sàng đưa đoàn đi bất cứ nơi đâu, đi đến chỗ họp, đi thăm kiều bào, đi vận động sự ủng hộ của bạn bè khắp nơi… Bà Tôn Nữ Thị Ninh, khi đó là người của Sài Gòn cử đi Pari học, đã chuyển hẳn sang làm việc cho đoàn của ta, sau này trở về Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng ở Bộ Ngoại giao và Quốc hội.


Đó là những ký ức không thể nào quên của nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Pari. Bốn mươi năm đã qua, Cố vấn Lê Đức Thọ - vị “Tư lệnh” tài ba, đầy bản lĩnh trên “mặt trận ngoại giao” của Việt Nam đã đi xa, nhưng những câu chuyện về ông, những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước vẫn còn mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Bây giờ, dù tuổi cũng đã cao, sức khỏe đã không còn như trước, nhưng ông Lưu Văn Lợi vẫn luôn dành thời gian để tham gia các công trình nghiên cứu về cuộc đàm phán ở Pari, cũng như về nhà ngoại giao nổi danh Lê Đức Thọ - người mà ông luôn coi như một người thày, một người anh, người thủ trưởng mà ông hằng kính trọng.


Phương Lan

Kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Pari - Bài 2: Cuộc chiến… quanh những “chuyện nhỏ”
Kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Pari - Bài 2: Cuộc chiến… quanh những “chuyện nhỏ”

Ở Hội nghị Pari, ta và Mỹ tổ chức rất nhiều cuộc họp riêng, và những cuộc họp riêng này cực kỳ căng thẳng, đấu lý từng điểm rất nhỏ. Cuộc đàm phán dài nhất thế kỷ XX từ 1968 -1973 đã trở thành “tâm điểm” của dư luận thế giới. Khi đó, cả thế giới đều hướng về Pari...

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN