Tình hình cháy nổ trên cả nước diễn biến phức tạp
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, tình hình cháy nổ trên cả nước có diễn biến phức tạp. Trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu là khu vực thành thị chiếm 60,11% và có tới 5.636 số vụ cháy tại nhà dân, chiếm 42,86%.
Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 6.458 vụ, chiếm 57,27%; do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt là 3.291 vụ, chiếm 29,18%. Cháy lớn dù chỉ có 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, song các vụ cháy này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khi làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra.
Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp như vậy, song theo Chính phủ, đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Nổi lên là nhiều cơ sở như ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà xưởng... chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, việc thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó. Nhiều phương án chữa cháy sơ sài, tình huống giả định cháy thường có diện tích nhỏ, dễ xử lý, chưa sát với thực tế.
Báo cáo cũng cảnh báo, những năm qua, một số vụ cháy nhỏ không được dập tắt kịp thời nên đã phát triển thành cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng chiến lược phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, các khu công nghiệp, thương mại... có nguy cơ cháy, nổ cao. Chính phủ tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy đối với những công trình, hoạt động có nguy cơ cháy nổ cao như: Chung cư, nhà cao tầng, nơi tập trung đông người; kinh doanh xăng dầu, khí đốt; bảo vệ và phát triển rừng.
Khắc phục bất cập trong an toàn phòng cháy chữa cháy
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu đã nêu những tồn tại, bất cập cần khắc phục trong an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Theo kiến nghị của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn ngay trong chính các nhà trường. Cả nước hiện có tới 33.262 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non tới cấp Đại học. Thực tế tại một số trường học, việc an toàn phòng cháy, chữa cháy cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, trong khi đó, nhà trường lại có nhiều vật dễ cháy như bàn ghế, thiết bị chức năng, thiết bị thí nghiệm, máy vi tính.
Tại các trường bán trú, bếp ăn cũng không được vận hành đúng quy chuẩn nên dễ tăng nguy cơ cháy nổ, mất an toàn. Với các trường học đặt tại các khu dân cư hoặc địa điểm có mật độ giao thông dày đặc, cháy nổ nếu xảy ra từ các hộ dân, điểm kinh doanh lân cận thì hỏa hoạn cũng dễ lan sang khi không được ngăn chặn kịp thời.
Tại các thành phố, nhiều cơ sở mầm non không được cơ quan chức năng nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy vì nguyên nhân thay đổi công năng từ nhà ở sang lớp học. Ngoài ra, cơ sở vật chất thiếu thốn hoặc xuống cấp ở không ít trường học cũng đã làm ảnh hưởng, không đáp ứng được công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, từ các vấn đề trên, khi xảy ra cháy tại một cơ sở giáo dục nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời thì thiệt hại sẽ lại càng nặng nề, thương tâm nhất là đối với cấp mầm non, tiểu học khi nạn nhân không may là trẻ em. Để đảm bảo công tác phòng ngừa cháy nổ tại nhà trường, cần làm tốt và thực chất công tác tuyên truyền về hỏa hoạn tại chính nhà trường. Không được phép coi đây là hoạt động phong trào mà phải coi đây là hoạt động có tính chất bắt buộc, vì sự an toàn của học sinh và của cả nhà trường.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng, để giảm tỉ lệ các vụ cháy ở mức thấp nhất và giảm thiệt hại ở mức có thể, tránh được tình trạng “khi cháy rồi mới rút kinh nghiệm”, giải pháp đầu tiên là cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền. Do đó, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần phải dựa trên cơ sở đa dạng hóa nhận thức về tuyên truyền thông qua việc đưa kiến thức phòng cháy, chữa cháy vào các cấp học, ngành học. Đổi mới công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó cần ưu tiên thời lượng, thời điểm phát sóng để người xem, người nghe “lĩnh hội" được nhiều nhất và ấn tượng nhất.
Trước những bất cập đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, việc tổ chức hệ thống hạ tầng phục vụ phòng cháy, chữa cháy trong đô thị cần được quan tâm đúng mức. Đại biểu đề nghị, trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ công tác này.
Thiết kế của các công trình cần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Bất cứ công trình nào cũng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Hệ thống này cần được kiểm tra định kỳ, kết hợp với tổ chức các buổi diễn tập chữa cháy để nâng cao khả năng ứng phó với hỏa hoạn của người dân. Đặc biệt, các công trình nhà chung cư cao tầng cần thực hiện nghiêm quy định về gian lánh nạn.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương có biện pháp khắc phục đối với từng công trình cụ thể để xử lý dứt điểm những "quả bom nổ chậm" này. Bên cạnh đó, ở địa phương, cần có cơ chế riêng xử lý để công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có trách nhiệm hơn.
Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, các đơn vị cần tăng cường tính chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết, liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống, tính mạng của nhân dân. Chuyên đề giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình cháy nổ.
Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần rà soát kỹ các kiến nghị, các chỉ tiêu giao Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương để cụ thể thêm, tăng cường tính chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy gắn với trách nhiệm và đặt ra yêu cầu cụ thể đối với từng đối tượng để bảo đảm tính khả thi và thuận tiện cho công tác giám sát.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, thời gian tới, công tác phòng cháy, chữa cháy tiếp tục phải lấy phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy mà nòng cốt là lực lượng phòng cháy, chữa cháy của công an, quân đội.
Tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu; cho biết sẽ tiếp tục tham mưu chỉ đạo tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận quy luật khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì sẽ xảy ra nhiều vụ cháy, tình hình cháy nổ sẽ diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt tại các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines cũng có thực trạng này. Theo đó, trong 4 năm qua, lực lượng Công an đã khởi tố 66 vụ liên quan đến cháy nổ, truy tố 43 bị can, xử phạt 98.398 trường hợp với hơn 200 tỷ đồng; đình chỉ 1.956 trường hợp vi phạm và tạm đình chỉ 2.720 trường hợp.