Như vậy, việc phân công đó rất đúng chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, giúp cho việc triển khai vay vốn nhanh, huy động được nhiều vốn. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã huy động được rất nhiều nguồn vốn vay từ ODA, các tổ chức quốc tế cũng như phát hành trái phiếu. Nếu đặt mục tiêu huy động nhiều vốn vay thì như vậy là hợp lý.
Tuy nhiên, bất cập trong việc phân công này là chỉ coi trọng việc huy động nhiều vốn vay về đầu tư, còn vấn đề trả nợ như thế nào thì chưa được cơ quan nào chịu trách nhiệm cụ thể. Chính vì vậy, điều quan trọng hiện nay là lấy nguồn nào để trả, và ai chịu trách nhiệm trả khoản vay đó.
Trong dự thảo mới này, quan điểm đặt ra là nên tập trung vào một đầu mối, tôi hoàn toàn đồng tình. Một đầu mối ở đây không có nghĩa là một cơ quan duy nhất, mà cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đối với khoản vay thì cơ quan đó sẽ quyết định việc đi vay để đầu tư vào đâu. Như vậy, sẽ đảm bảo cho việc vốn vay sẽ mang lại hiệu quả và không xảy ra tình trạng khủng hoảng nợ công.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ): Gắn trách nhiệm với từng Bộ, ngànhTôi cơ bản thống nhất chủ trương lớn của dự thảo Luật. Tuy nhiên, phạm vi chủ yếu tập trung vào danh mục nợ công, trong 3 phạm vi: nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Nếu vậy, sẽ không quản lý được toàn bộ rủi ro về nợ công.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Bình Thuận và thành phố Cần Thơ thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Mục tiêu quan trọng không chỉ hướng đến quản lý nợ công mà phải hướng đến an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, phải xác định được đúng phạm vi nợ công, xác định đúng bộ máy cơ quan quản lý nợ công phù hợp, và phải nhận diện được các rủi ro với nợ công.
Về tổ chức bộ máy, Chính phủ đề nghị để nguyên nhằm không xáo trộn bộ máy. Nhưng nếu để nguyên 3 đầu mối thì sẽ rất hạn chế trong quản lý và bị động trong quản lý nợ công, 3 đầu mối chưa thực sự gắn kết được. Thể hiện rõ nhất là các khoản vay ODA thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi tổng hợp của các bộ, ngành, chứ chưa gắn với trách nhiệm trả nợ.
Về trách nhiệm các cơ quan, trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, chỉ có một Điều 28, là các cơ quan chịu trách nhiệm với khoản vay. Do đó, phải nêu rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, của người ra chủ trương, người quyết định đầu tư trong việc sử dụng, quản lý nợ công. Có như vậy mới gắn được trách nhiệm, xử lý được trách nhiệm trong quản lý nợ công. Và phải gắn được trách nhiệm từ chủ trương, bảo lãnh, quyết định... trong cho vay.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Đoàn Bình Phước): Không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên Hiện nay, tình trạng nợ công tăng nhanh, nhưng vấn đề chính cần phân tích là tại sao tăng nhanh, nguồn vay nợ công hiện nay cho chi đầu tư bao nhiêu % và cho chi thường xuyên là bao nhiêu %? Tôi cho rằng, về bản chất của vốn vay, đặc biệt là vay nước ngoài là dòng vốn rẻ, chi phí thấp. Nếu vay cho đầu tư thì chắc sẽ có hiệu quả cho nền kinh tế, động viên nguồn thu ngân sách. Quan trọng nhất trong quản lý nợ công là quản lý rủi ro và quản lý trong đầu tư nợ công.
Trong Luật vẫn chưa thể hiện rõ danh mục và hạng mục được ưu tiên sử dụng vốn vay từ nước ngoài hay từ các nguồn khác. Tôi cho rằng, để kiềm chế được nợ công thì cần mạnh dạn không sử dụng vốn vay nợ công cho việc chi thường xuyên. Và Chính phủ không cho phép lấy nguồn vốn vay này cho chi thường xuyên.
Nếu sử dụng nguồn vốn vay để chi thường xuyên thì rất khó có thể thu hồi vốn, từ đó nợ công lại tăng cao. Do vậy, tôi đề nghị vốn vay nợ công chỉ phục vụ cho đầu tư phát triển, hoặc cho vay lại đối với các dự án trọng điểm quốc gia.
Đồng thời, cơ chế quản lý rủi ro, đứng ở cấp quản lý là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Tổ hợp 3 cơ quan này đủ thẩm quyền và đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý nợ công.