Ðại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội không chỉ tham gia công tác xây dựng luật, mà còn trực tiếp bỏ phiếu bầu hoặc phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) chia sẻ, so với các kỳ họp trước, kỳ này có một số điểm đặc biệt, đó là số lượng luật thông qua không ít, với 7 luật. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành một khoảng thời gian khá lớn để làm công tác nhân sự, kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội đồng Quốc phòng- An ninh.
Theo đại biểu, việc kiện toàn nhân sự thường diễn ra vào kỳ họp đầu tiên của mỗi nhiệm kỳ, nhưng tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành kiện toàn công tác nhân sự. Đây là một điều hết sức cần thiết, vì sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII kết thúc thành công tốt đẹp, nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhà nước không tiếp tục tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Đây cũng là cơ hội để các đồng chí mới tham gia Ban Chấp hành Trung ương được dự kiến phân công vào các cương vị quan trọng của đất nước có điều kiện bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả những Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Mặt khác, việc kiện toàn nhân sự vào cuối nhiệm kỳ là một điều kiện thuận lợi để Quốc hội có điều kiện đánh giá đầy đủ, sâu sắc hoạt động của từng lĩnh vực trong bộ máy nhà nước, đặc biệt nhân sự thuộc các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ.
Chia sẻ quan điểm về kỳ họp thứ 11, đại biểu Trương Thị Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nội dung, chương trình của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí hợp lý, từ việc thông qua các dự án luật, đến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác nhân sự của Quốc hội và Chính phủ. Cùng với đó, đại biểu tự hào trong suốt nhiệm kỳ đã đưa được nhiều ý kiến, tiếng nói của người dân đến nghị trường, giúp Quốc hội có những quyết sách kịp thời để giải quyết các vấn đề khó khăn hoặc vướng mắc của đất nước.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đánh giá đây là kỳ họp có kết quả toàn diện trên tất cả các mặt. Cụ thể, về công tác xây dựng luật, Quốc hội đã xây dựng nhiều dự án luật và giải quyết được những vướng mắc từ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Trong đó, nhiều đạo luật mà Quốc hội thông qua đã góp phần tháo gỡ những khó khăn và tạo động lực mới để các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia hội nhập tốt và hiệu quả hơn. Mặt khác, Quốc hội đã tiến hành đồng đều, kể cả tham gia góp ý đối với báo cáo của Chính phủ, hay giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu hoặc phê chuẩn nhân sự cao cấp của Quốc hội và Chính phủ.
“Quốc hội lần này đã triển khai kiện toàn công tác nhân sự đều và phối hợp nhịp nhàng. Toàn bộ hệ thống tổ chức các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ được bầu hoặc phê chuẩn đã tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt, cách làm nhân sự rất dân chủ, thận trọng, đảm bảo nghiêm minh luật pháp” – đại biểu nhận xét.
Đánh giá kỳ họp thứ 11, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhấn mạnh, Quốc hội đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, đó là thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020); tiếp tục góp ý và thông qua các dự án luật; hoàn thiện một bước hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thành công tốt đẹp.
Trong đó, việc Quốc hội kiện toàn nhân sự cao cấp của Nhà nước là rất cần thiết để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, trước bối cảnh thuận lợi nhưng không ít khó khăn, thách thức,việc hoàn thiện bộ máy là điều kiện đầu tiên để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.
Nhận xét về kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, cùng với việc tiếp tục thông qua một số dự án luật, Quốc hội đã hoàn thiện công tác nhân sự, đặc biệt đối với những vị trí lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý của đất nước. Đây là kỳ họp thành công, tạo được sự đồng thuận cao và ủng hộ của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội và cử tri rất kỳ vọng vào hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước sau khi được kiện toàn, đặc biệt đối với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ. Đây là nhân tố góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời gian tới.