Ngày 31/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và kết quả một tháng triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. |
Tham dự có đại diện các bộ: Công Thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp và đại diện lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chỉ trong một thời gian ngắn, sau 1 tháng triển khai Đề án của Chính phủ về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các bộ, ngành và 19 tỉnh, thành phố, tình hình gia cầm nhập khẩu trái phép đã giảm và cơ bản được kiểm soát. Tụ điểm và các đường dây buôn lậu gia cầm lớn đã bị triệt phá.
Lực lượng chức năng của 19 tỉnh, thành phố đã phát hiện tiêu hủy 60,3 tấn gà và hơn 220.000 con gà giống Trung Quốc. Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường PC49 đã thực hiện 1 chuyên án về đường dây chuyên kinh doanh chân gà và mề gà đông lạnh lên tới gần 18 tấn, đang chuyển cho Cảnh sát điều tra Công an thành phố Móng Cái, Quảng Ninh khởi tố vụ án.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Tình hình gà nhập lậu ở chợ Hà Vĩ, Phú Xuyên, Hà Nội với 90 tấn gà lậu/ngày trước đây nay đã chuyển biến rõ rệt. 15/16 hộ đầu nậu kinh doanh gà nhập lậu trước đây đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, 1 hộ ngừng kinh doanh. Kết quả rõ nhất là chăn nuôi trong nước đã có cơ hội phát triển. Giá gà trong nước tăng 1,5 lần, mở ra cơ hội cho ngành chăn nuôi và người nông dân. Hà Nội đã tiến hành chặn gà lậu đi đôi với từng bước thiết lập thị trường tiêu thụ lành mạnh trong nước. Việc Hà Nội mới ký kết với Bắc Giang về phối hợp tiêu thụ gà đồi Yên Thế là một hướng đi mới hứa hẹn duy trì kết quả bền vững của Đề án.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Biện pháp mạnh mẽ mới được áp dụng là tạm giữ phương tiện vận chuyển gia cầm nhập lậu tới 60 ngày đã mang lại kết quả tốt, có ý nghĩa răn đe. Khó khăn mới đặt ra là nhờ ngăn chặn tích cực, hàng gia cầm lậu bị hạn chế nên chênh lệch giá giữa hàng gia cầm lậu và gia cầm nuôi trong nước đã tăng lên gấp 5 - 6 lần. Vì thế các đối tượng càng manh động, chuyển sang hoạt động trà trộn và chia lẻ hàng lậu để thu gom, lén lút chuyển hàng vào đêm và rạng sáng gây khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho các lực lượng chức năng. Mới đây, một chiến sĩ công an Quảng Ninh đã hy sinh khi đuổi theo xe chở hàng nhập lậu gia cầm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương nỗ lực ngăn chặn gia cầm nhập lậu của các bộ, ngành, địa phương. Sự vào cuộc đồng bộ với trách nhiệm cao của các cán bộ, chiến sĩ từ khắp các cơ sở đã góp phần làm cho Đề án đạt kết quả đề ra là cơ bản ngăn chặn và kiểm soát tình trạng gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, thời điểm giáp Tết, tình hình buôn lậu gia cầm càng trở nên phức tạp, lợi nhuận cao nên các đối tượng càng manh động. Vì vậy Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng càng cần phải đề cao, không thể lơ là và kiên quyết không để gia cầm nhập lậu vào Việt Nam.
Chúng ta đã triệt phá được các chợ bán gia cầm lậu nhưng cần chú ý biểu hiện biến tướng mới là các điểm tập kết nhỏ để gom hàng tại 7 tỉnh lân cận Hà Nội; Phó Thủ tướng nói Phó Thủ tướng cũng đề nghị bên cạnh việc kiểm soát trên tuyến đường bộ, sắp tới Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng cần kiểm soát để ngăn chặn gia cầm nhập lậu trên tuyến đường sông, biển.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đặc biệt lưu ý các bộ Công Thương, Nông nghiệp phát triển nông thôn, Y tế…, và các địa phương lân cận phải cùng với Hà Nội thực hiện giải pháp thiết lập thị trường gia cầm sạch, có chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước. Mô hình phối hợp giữa Hà Nội và Bắc Giang trong cung cấp sản phẩm gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội với kết quả là tăng từ 4 tấn gà/ngày lên 40 tấn/ngày đã cho thấy một hướng đi đúng cần nhân rộng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cuộc chiến chống gia cầm nhập lậu là một cuộc chiến lâu dài, cần thực hiện vừa quyết liệt, khẩn trương, vừa thường xuyên và phải kết hợp đồng bộ giữa ngăn chặn với phát triển chăn nuôi trong nước, thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định và rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của tình trạng gia cầm nhập lậu vào Việt Nam.
lChiều 31/1, nhân chuyến công tác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến tham quan, khảo sát mô hình thí điểm nuôi lợn bằng đệm lót sinh học và mô hình trồng nấm bào ngư bằng bã mía tại Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. Đây là hai mô hình đầu tiên của cả nước sử dụng nguyên liệu bã mía (một phế phẩm có rất nhiều tại Hậu Giang) thay cho mùn cưa đang rất khó kiếm hiện nay.
Phó Thủ tướng khen ngợi và chúc mừng Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tìm ra một loại nguyên liệu vốn rất dồi dào trên địa bàn để thay thế cho mùn cưa. Phó Thủ tướng đề nghị Trung tâm giống nông nghiệp Hậu Giang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thêm trong mùa mưa tới, sau đó nếu tiếp tục thành công nhanh chóng nhân rộng; đề nghị tỉnh nên hỗ trợ những hộ nuôi lợn đầu tiên theo mô hình này để bà con nhân rộng. Đối với mô hình trồng nấm bào ngư bằng bã mía, UBND tỉnh cần hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho người dân.
Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã vận dụng và thực hiện thí điểm mô hình nuôi lợn bằng đệm lót sinh học từ tháng 10/2012 sau khi tham quan mô hình tại tỉnh Hà Nam. Song thực tế tại địa phương mùn cưa rất khó tìm nên Trung tâm giống đã dùng bã mía thay thế làm đệm lót. Kết quả thí điểm cho thấy: Khi nuôi lợn trên nền đệm lót, lợn tăng trọng nhanh hơn 19,2% và lượng thức ăn giảm 11,6% so với nuôi theo cách truyền thống. Tổng chi phí làm đệm lót cho chuồng có diện tích 20 m2 chỉ gần 15 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với làm nền chuồng bằng xi măng như kiểu nuôi truyền thống. Ngoài ra, nuôi lợn theo mô hình này còn không tốn điện, giảm được 80% lượng nước sử dụng do không phải tắm lợn hoặc dội rửa chuồng trại, công lao động cũng giảm được 60%. Đặc biệt, mô hình này không gây ô nhiễm môi trường, đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả cao, rất dễ nhân rộng.
Huy Bình - Ngọc Thiện