Trong hai ngày 16-17/7, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ đã nghe báo cáo, tập trung thảo luận về: dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Dân số; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách,… của Chính phủ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có thể nói là hàng đầu. Đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng cơ chế, chính sách; luật pháp có tốt, đúng, phù hợp thì lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước sẽ hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ yêu cầu phải bảo đảm tính kịp thời, đúng tiến độ, không để chậm trễ, không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời hết sức lưu ý bảo đảm chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, đó là tính hợp pháp, hợp hiến, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.
Mục tiêu của dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được đề ra là: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, xây dựng Chính phủ mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, phát huy mạnh mẽ dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân, kiến tạo, phát triển đất nước.
Dự thảo luật được kết cấu gồm 8 chương, 45 điều; quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ; nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; bộ, cơ quan ngang bộ; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng…
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật như vấn đề về: vị trí, chức năng của Chính phủ; vị trí và chức năng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;… Đề nghị trong xây dựng dự án luật cần bám sát vào tinh thần và các quy định cụ thể của Hiến pháp 2013; thể hiện rõ hơn quy định về sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chung; sự phân cấp, phân quyền trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; tăng quyền cho các thành viên Chính phủ trong phân bổ ngân sách, trong công tác cán bộ…
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng có 8 chương và 158 điều; quy định cụ thể về tổ chức đơn vị hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân; tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân; tổ chức chính quyền địa phương trong trường hợp thay đổi đơn vị hành chính và trong trường hợp đặc biệt…
Ý kiến phát biểu của nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, xây dựng dự án luật phải bám sát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương; bảo đảm được sự thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, phát huy quyền dân chủ. Các thành viên Chính phủ cũng tập trung làm rõ những vấn đề lớn của dự án luật như về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức và tên gọi cơ quan hành chính quận, phường; mô hình khu kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế); phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm thành viên UBND các cấp…
Cho ý kiến về những định hướng lớn trong xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến phát biểu, đóng góp ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật này trên tinh thần bám sát Hiến pháp, thực tiễn, kế thừa các luật hiện hành.
Thiện Thuật