Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc cho biết: Cần Thơ là trung tâm kinh tế lớn nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có tốc độ đô thị hóa nhanh, các phương án đầu tư nhiều, thường có nhiều đơn, thư khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án. Đoàn công tác muốn lắng nghe các ý kiến của thành phố Cần Thơ với tinh thần “nói thẳng, nói hết”, nêu lên những việc đã làm được cũng như những tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là sau khi có Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và Ban Nội chính Trung ương đã có hướng dẫn thực hiện quy định này.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ Đinh Công Út cho biết: Nội dung khiếu nại, tố cáo ở Cần Thơ chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư… Xác định tầm quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 26/6/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.
Hàng tháng, Bí thư Thành ủy xếp lịch tiếp công dân một ngày và được đưa vào lịch công tác của Thường trực Thành ủy và công bố rộng rãi đến các địa phương, cơ quan, đơn vị. Phòng Tiếp công dân của Thành ủy Cần Thơ được bố trí tại Ban Nội chính Thành ủy, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, mở sổ ghi chép việc tiếp công dân của Bí thư Thành ủy.
Theo ông Đinh Công Út, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5/2019, chưa có công dân đến liên hệ tại phòng này. Tương tự, tại các quận, huyện và đảng ủy xã, phường đều xếp lịch tiếp công dân cho đồng chí Bí thư theo đúng quy định và hầu hết chưa có công dân đến.
Về công tác phối hợp, Văn phòng Thành ủy Cần Thơ đã cử cán bộ phụ trách phối hợp với Ban Nội chính Thành ủy thường xuyên rà soát, thống kê, trao đổi việc xử lý các đơn, thư gửi đến Thường trực Thành ủy.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc nhận định: Thời gian qua, tình trạng công dân gửi đơn thư đến các cơ quan để khiếu kiện, chủ yếu là liên quan đến đất đai và một số lĩnh vực khác gia tăng. Bộ Chính trị đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác tiếp công dân khiếu nại, tố cáo. Trong đó có quy định việc lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy các tổ chức Đảng và người đứng đầu các cơ quan của Nhà nước. Bí thư và thường trực cấp ủy thực nhiệm nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và người đứng đầu cơ quan nhà nước ở địa phương chịu trách nhiệm về công tác tiếp dân trên địa bàn.
Theo ông Phạm Gia Túc, trước đây, việc giải quyết đơn, thư chủ yếu nằm ở cấp ủy của Đảng; ở Trung ương là Văn phòng Trung ương Đảng, ở địa phương là các Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy chịu trách nhiệm. Còn theo quy định hiện nay, ở cấp tỉnh, thành phố chức năng tiếp công dân, xử lý đơn thư tại các địa phương được chuyển từ văn phòng cấp ủy sang ban nội chính. Do đó, giữa Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Nội chính Trung ương đã bàn bạc về xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện việc này để công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân đảm bảo không bị ngừng trệ, tiếp tục đạt hiệu quả hơn, thực hiện đúng theo quy định của Đảng và Nhà nước.
“Nếu làm tốt công tác tiếp dân thì sẽ góp phần phát huy dân chủ của nhân dân, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội”, ông Phạm Gia Túc cho hay.