Khắc phục hạn chế trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, chiều 7/10, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2014.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày báo cáo. Ảnh: VGP

 

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình khiếu nại tố cáo năm 2014 tiếp tục xu hướng giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt. Phần lớn các vụ việc đông người, phức tạp là những vụ việc phát sinh từ những năm trước; nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Công tác tiếp công dân tiếp tục có những chuyển biến rõ nét. Các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân. Việc phối hợp trong công tác tiếp dân chặt chẽ, kịp thời hơn. Công tác xử lý đơn thư tiếp tục được quan tâm, từng bước hạn chế việc trùng lắp trong quá trình xử lý. Việc theo dõi kết quả giải quyết sau khi chuyển đơn có nhiều tiến bộ…

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những mặt hạn chế như: m ột số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Chất lượng giải quyết khiếu nại ở một số địa phương còn thấp, còn có sai sót, nhất là cấp huyện. Công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại tố cáo chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng, hiệu quả chưa cao …

 

Chính phủ đề nghị Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, tập trung vào những địa phương có nhiều đoàn đông người, vụ việc phức tạp, kéo dài; tăng cường giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước (nhất là các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, quản lý dự án đầu tư xây dựng, thực hiện chính sách xã hội,…). Trong quá trình giám sát, tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư, Chính phủ đề nghị các đại biểu Quốc hội yêu cầu công dân phải cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin; tuyên truyền, giải thích, vận động công dân chấp hành pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, góp phần làm hạn chế khiếu nại, tố cáo .

 

Nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định: Thời gian qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt là từ sau khi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực. Công tác tiếp dân có nhiều tiến bộ; việc phối hợp giữa các cơ quan được tăng cường; việc xử lý các cán bộ vi phạm nghiêm minh… Những kết quả trên nhờ sự phối hợp giữa các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam , các đoàn thể chính trị xã hội và sự giám sát của công luận.

 

Chỉ ra những hạn chế, bất cập, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích sâu sắc hơn nữa nguyên nhân làm gia tăng số lượng đoàn đông người; những bất cập trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ và tổ chức của các cơ quan thực thi công vụ liên quan đến việc tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo… Báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần phân tích rõ trách nhiệm giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến chức trách của mình…

 

Thể hiện sự nhất trí đối với các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ sẽ thực hiện trong năm 2015, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Chính phủ cần có dự báo về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo trong năm 2015; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; đẩy mạnh việc phối hợp giữa các bộ, ngành với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyên truyền phổ biến sâu rộng Hiến pháp 2013, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

 

Các đại biểu cho rằng các bộ, ngành cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và ngay trong nội bộ các cơ quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực và đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; xử lý nghiêm cán bộ sai phạm và người lợi dụng việc khiếu nại tố cáo để gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.

 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát, đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; quan tâm rà soát, bổ sung các Luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, các Luật liên quan đến quyền, trách nhiệm của người dân trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Phúc Hằng

Tán thành ban hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tán thành ban hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 6/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Pháp lệnh cảnh sát môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN