Hội thảo khoa học quốc tế về sức mạnh mềm Việt Nam và Ấn Độ

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Sức mạnh mềm Ấn Độ - Sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa".

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: qdnd.vn

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược và một năm Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ, nhằm đánh giá kết quả quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các bình diện, rút ra bài học kinh nghiệm, những gợi mở mới để chuẩn bị bước sang một trang mới phát triển hơn, phong phú hơn trong hợp tác song phương và liên kết đa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Với sự giao thoa văn hóa trải dài hơn 2.000 năm lịch sử, Việt Nam - Ấn Độ có mối quan hệ đối tác tự nhiên, bền chặt. Dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, Ấn Độ luôn là người bạn thủy chung, son sắc, luôn giúp đỡ Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp đổi mới trên nhiều lĩnh vực. Sợi chỉ xuyên suốt mối quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ là sự tương đồng về văn hóa và chia sẻ những giá trị chung, trong đó có tính nhân văn, cộng đồng, đoàn kết, tương thân, tương ái, sự quan tâm, cởi mở, hòa hợp cùng với sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa , khát vọng phát triển... Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế quốc gia của Việt Nam ngày càng được nâng cao, mối quan hệ của Việt Nam đối với tất cả các nước lớn đều phát triển tốt đẹp, hoạt động đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả thông qua việc xác lập các khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược...

Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Bối cảnh thế giới và khu vực đang có những biến đổi to lớn và sâu sắc, ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam và Ấn Độ. Thực hiện trách nhiệm mới này, nếu chỉ dựa vào sức mạnh cứng thì không đủ. Trên quan điểm nhìn nhận tổng hợp cần phải dựa trên sức mạnh mềm, một sức mạnh tổng hòa của nhiều nhân tố như chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, khoa học công nghệ, tâm lý và chất lượng dân số…

Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish cho rằng mối quan hệ của hai nước không chỉ giới hạn trong đấu tranh giành độc lập, trong xây dựng đất nước mà hiện nay đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực, tác động tới việc hình thành chính sách quốc gia của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học Việt Nam - Ấn Độ đã phân tích về những thành tựu đã đạt được, nguyên nhân hình thành, phát triển sức mạnh mềm nói chung, sức mạnh mềm Việt Nam và Ấn Độ, vai trò, tác động của sức mạnh mềm trong đấu tranh, dựng xây, bảo vệ, phát triển đất nước, cũng như sự giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực sức mạnh mềm trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Sức mạnh mềm là khái niệm khoa học mới do Giáo sư Joshep Samuel Nye, Trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ đề xướng từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Luận giải khái niệm, nội hàm tư tưởng về sức mạnh mềm của người đề xướng chủ thuyết này, một số học giả nhấn mạnh, sức mạnh mềm tạo ra hình ảnh tích cực, sự tôn trọng, ngưỡng mộ, làm cho các quốc gia có sức mạnh mềm mại hơn trong mắt các quốc gia khác. Sức mạnh mềm có thể làm cho các quốc gia không liên kết về địa lý, khác nhau về hệ tư tưởng có thể xích lại gần nhau, liên kết với nhau vì mục đích chung là ổn định, phát triển.

Nhiều đại biểu phân tích quá trình hình thành, những nhân tố tạo nên sức mạnh mềm và việc vận dụng sức mạnh mềm ở Việt Nam, Ấn Độ trong từng giai đoạn khác nhau; khẳng định nghệ thuật sử dụng sức mạnh mềm khôn khéo, linh hoạt đạt đến trình độ bậc thầy của hai lãnh tụ và cũng là hai danh nhân văn hóa thế giới Việt Nam - Ấn Độ: Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru.

Đồng thời, các đại biểu cho rằng sức mạnh mềm đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết Ấn Độ - ASEAN, Ấn Độ - Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực; khuyến nghị Ấn Độ, Việt Nam và các nước trong cộng đồng ASEAN cần nghiên cứu sâu, có chính sách phù hợp để triển khai thực thi sức mạnh mềm, góp phần đảm bảo an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa.

Phúc Hằng (TTXVN)
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao kết nối ASEAN - Ấn Độ tại New Delhi
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao kết nối ASEAN - Ấn Độ tại New Delhi

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 11/12, tại khách sạn Lalit ở trung tâm thủ đô New Delhi của Ấn Độ, hội nghị cấp cao về kết nối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ đã khai mạc với chủ đề "Động lực cho kết nối số và tự nhiên đối với châu Á trong thế kỷ 21".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN