Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 12/12

Chiều 9/12, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020.

Chú thích ảnh
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc họp báo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng

Chủ trì họp báo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, để đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) quyết định tổ chức Hội nghị toàn quốc để tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay. Hội nghị dự kiến diễn ra ngày 12/12/2020.

Theo ông Võ Văn Dũng, Hội nghị được tổ chức vào thời điểm trước thềm Đại hội XIII của Đảng, có ý nghĩa rất quan trọng. Hội nghị vừa tổng kết nhiệm kỳ XII vừa tổng kết giai đoạn 2013 - 2020, tổng kết trước Đại hội XIII và đặc biệt là trước Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương. Qua tổng kết, có đủ cơ sở đưa vào văn kiện Đại hội XIII một cách đầy đủ, chính xác về nội dung này. Việc tổng kết thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng; khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà ngày càng quyết liệt bài bản, đồng bộ, hiệu quả hơn. Việc tổng kết cũng nhằm đặt ra nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Theo thông tin tại buổi họp báo, Hội nghị được tổ chức tập trung tại Hà Nội và được truyền trực tuyến đến các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quân khu, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, bộ tư lệnh và tương đương trong Quân đội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ chủ trì Hội nghị. Gần 700 đại biểu dự Hội nghị tập trung và gần 5.000 đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến. Hội nghị sẽ tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Liên quan đến mục tiêu đặt ra của Hội nghị, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, qua tổng kết khẳng định kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị đến nay; từ đó lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về thành quả này. Việc tổng kết nhằm khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng; đập tan luận điệu xuyên tạc của các lực lượng thù địch, các phần tử xấu. Kết quả này khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng không làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, không làm nhụt chí người dám nghĩ, dám làm.

Cơ chế phối hợp 5 cấp độ

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã thông tin một số nội dung mà các phóng viên, báo chí quan tâm.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, Ban Chỉ đạo đã đề ra cơ chế phối hợp 5 cấp độ để đảm bảo tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc nghiêm trọng.

Cụ thể, vụ án, vụ việc nào có khó khăn, vướng mắc, thủ trưởng ngành đó chủ trì cuộc họp liên ngành, mời các cơ quan liên quan tham dự để trao đổi, tháo gỡ. Nếu các cơ quan vẫn chưa thống nhất, Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì họp liên ngành để giải quyết, đây là cấp độ 1.

Nếu vẫn chưa thống nhất được sẽ chuyển lên cấp độ 2 là Thường trực Ban Bí thư chủ trì cuộc họp liên ngành. 

Trường hợp cấp độ 2 chưa giải quyết xong, chuyển sang cấp độ 3 là tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng họp để giải quyết.

Nếu vẫn chưa thống nhất được, toàn thể Ban Chỉ đạo sẽ họp.

Ở cấp này nếu vẫn chưa giải quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của vụ án. Đây là cơ chế 5 cấp độ.

Bên cạnh đó, còn có cơ chế phối hợp giữa các bộ, cục, vụ của cơ quan liên ngành. Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Trưởng ban Nội chính Trung ương (3 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo) thường xuyên hội ý để giải quyết các vụ việc. Ban Chỉ đạo riêng về các vụ án, vụ việc cụ thể, phức tạp cũng được thành lập.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng khẳng định, Ban Chỉ đạo không chỉ đạo về tội danh, hình phạt cụ thể mà đặt ra yêu cầu làm thế nào đảm bảo tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không được oan sai, không được nhẹ tay mà phải nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe.

Trả lời câu hỏi về việc từ đầu nhiệm kỳ XII của Đảng, "lò" chống tham nhũng rất “nóng”, sắp tới có “nóng” nữa hay không, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Trong các phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhiều lần đặt ra vấn đề này. Tổng Bí thư đã nhiều lần kết luận, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà phải làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn dù cho các cơ quan, địa phương tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, hay tập trung chống dịch COVID-19…  

“Tổng Bí thư có nhắc tới, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào của quần chúng, đã trở thành xu thế không ai có thể cưỡng lại được. Đó là quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Chắc chắn, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ còn mạnh mẽ, quyết liệt”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học chỉ rõ.

Phan Phương (TTXVN)
ASEAN 2020: Quản trị tốt góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả
ASEAN 2020: Quản trị tốt góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả

Trong khuôn khổ hợp tác của Nhóm các Cơ quan phòng, chống tham nhũng ASEAN (gọi tắt là ASEAN-PAC), ngày 9/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị thường niên ASEAN-PAC lần thứ 16 bằng hình thức trực tuyến kết nối tới 9 điểm cầu là các cơ quan phòng, chống tham nhũng của 9 quốc gia ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN