Đảm bảo tính chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra
Qua nghiên cứu Báo cáo giám sát, kết quả điều tra, xử lý 50 vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản giai đoạn 2014 - 2018 và thực tiễn giám sát, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) băn khoăn: Vì sao cho đến nay đã gần 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy, cùng nhiều văn bản dưới luật mà vẫn còn nhiều công trình có nguy cơ về cháy nổ đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế, hoặc thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
“Có phải do thủ tục quá rườm rà hay do chủ doanh nghiệp cố tình chây ì, lách luật. Hàng nghìn công nhân, lao động, người dân đang sinh sống, lao động, học tập ở những công trình, dự án đó có được an toàn hay không?”, đại biểu chỉ rõ và đề nghị phải có phương án xử lý nghiêm minh, chính xác, để làm gương, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đại biểu kiến nghị Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội cần thống kê cụ thể danh sách và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương có biện pháp khắc phục đối với từng công trình cụ thể để xử lý dứt điểm những quả bom nổ chậm này.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, ở địa phương, cần có cơ chế riêng xử lý để công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có trách nhiệm hơn. “Tôi cho rằng, không cần quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đến cơ sở mà quan trọng là cơ chế xử lý kết quả như thế nào cho công khai, nghiêm túc, đến nơi, đến chốn. Trong đó, việc gắn trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cụ thể là chính quyền địa phương các cấp, vai trò giám sát của các cơ quan dân cử là hết sức quan trọng”, đại biểu nhấn mạnh.
Từ thực tế đi giám sát tại một số doanh nghiệp, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) nhận thấy, mặc dù có cùng điều kiện, hoàn cảnh, lực lượng và có nguy cơ cháy nổ cao, nhưng có những doanh nghiệp thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rất tốt.
Đại biểu cho rằng, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp rất quan trọng. Ở một số đơn vị, mặc dù có nguy cơ cháy cao nhưng họ quán triệt tốt. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy, công nhân trực tiếp cũng như các phương án chữa cháy... khi kiểm tra đều làm rất tốt và nhiều năm qua không xảy ra cháy, nổ. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp chỉ trong 4 năm để xảy ra trên 7 vụ cháy nổ.
Với thực tế này, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa đề nghị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ đưa ra thời gian, giải pháp và lộ trình cụ thể để giải quyết, xử lý những vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là những công trình, doanh nghiệp vi phạm.
Dự thảo Nghị quyết cũng cần đề cập tới lộ trình xây dựng các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy gồm: Lực lượng dân phòng; lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; lực lượng phòng cháy cơ sở. Ba lực lượng này đáp ứng yêu cầu về "4 tại chỗ" trong phòng cháy, chữa cháy, nhưng hiện nay quân số của 3 lực lượng này chưa đủ, nhiệm vụ chưa bảo đảm, việc diễn tập, nâng cao kỹ năng còn hạn chế.
Tài sản, tính mạng con người là trên hết
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, riêng về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực xây dựng hiện nay có 3 luật: Luật Phòng cháy chữa cháy; Luật Xây dựng, Luật Nhà ở; ít nhất 4 nghị định và nhiều thông tư của bộ để điều chỉnh. Trong đó có quy định rất cụ thể trong các khâu từ thẩm định phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, kiểm tra nghiệm thu công trình...
Theo Bộ trưởng, hiện nay có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn quy định cụ thể về quy hoạch đường giao thông phục vụ phòng cháy, chữa cháy; các trạm bơm, bố trí trụ nước, phòng cháy, báo cháy, ngăn cháy lan; phòng, chống cháy trong một số công trình chuyên ngành như chung cư, chợ, công trình thương mại... Luật Nhà ở cũng quy định rõ trách nhiệm chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư trong thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cũng như mua bảo hiểm cháy nổ.
Mặc dù hệ thống quy định cơ bản phủ hầu hết lĩnh vực về xây dựng và đủ sức điều chỉnh hoạt động thực tiễn về phòng cháy, chữa cháy, nhưng theo Bộ trưởng, hạn chế căn bản là các quy định này còn tản mạn, một số nội dung đã lạc hậu; còn thiếu một số quy định đáp ứng yêu cầu, sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị. Ví dụ, nhà chung cư cao trên 150m chưa có quy chuẩn cụ thể, nhất là trong phòng cháy, chữa cháy.
Trong khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, có tiến bộ, cố gắng nhưng còn nhiều bất cập, đặc biệt là thực hiện quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định, nghiệm thu công trình. Đây là những tiền đề quan trọng, nếu làm tốt sẽ hạn chế tối đa xảy ra cháy và giảm hậu quả do cháy nổ gây ra. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến chủ đầu tư có biểu hiện “nhờn”.
“Tôi xin nhận trách nhiệm về hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng và trong thực hiện chức năng của Bộ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng khẳng định sẽ bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, nhất là quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bởi hiện nay có những vật liệu xây dựng mới, quy mô, chiều cao công trình đã khác, xuất hiện nhiều công trình đa năng... cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp về phòng cháy, chữa cháy.
“Hiện nay phương tiện chữa cháy mới vươn tới độ cao 20 tầng. Được biết một vài địa phương mua sắm trực thăng chữa cháy nhưng ít. Do đó cần quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu đặc thù hiện nay”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sẽ tổ hợp lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho gọn, dễ tra cứu, dễ áp dụng, để vừa đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
“Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên phòng cháy, chữa cháy; tài sản, tính mạng con người là trên hết. Với nhà cao tầng, yêu cầu có tầng lánh nạn, dù không có cháy sẽ để không nhưng buộc phải làm. Khi làm việc, có doanh nghiệp, nhà đầu tư đòi hỏi hạ thấp quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhưng chúng tôi không hạ”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu quan điểm và cho biết sắp tới Bộ sẽ ban hành 2 quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và về phòng cháy, chữa cháy.